Xuất khẩu tàu ngầm Việt Nam sang Malaysia
Theo đó, công ty du lịch của Malaysia đặt mua 4 chiếc tàu 2 người ngồi và 1 tàu mẹ đang được sản xuất có khả năng chứa bốn tàu ngầm mini. Tàu mẹ sẽ chở 4 tàu con từ cầu cảng ra địa điểm du lịch sau đó hệ thống thang máy của tàu mẹ sẽ đưa 4 tàu con xuống nước.
Phiên bản Yết Kiêu được xuất đi lần này đã thay đổi nhiều thứ so với phiên bản thử nghiệm đầu tiên, ví như cửa xuống, kích thước tàu, cửa kính, kính tiềm vọng, khả năng lặn và hoạt động dưới nước, tàu được sơn vàng.
Ông Phan Bội Trân, một hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu cho biết hiện đang chuẩn bị thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ với mô hình tổ hợp tàu mẹ - tàu ngầm mini du lịch nên không thể công bố hình ảnh.
Chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu cho biết, trước khi chào hàng đối tác nước ngoài thì đã bắt đầu với các công ty Việt Nam. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có quy hoạch các rặng san hô, cơ chế đăng kiểm đăng ký cho tàu ngầm mini du lịch nên việc phát triển loại hình còn khó khăn, khiến các doanh nghiệp e ngại.
Tàu ngầm Yết Kiêu 1 - phiên bản thử nghiệm đầu tiên của ông Phan Bội Trân chiều dài 3,2m, chiều cao 1m và ngang 1m, nặng hơn 1 tấn và có đầy đủ tính năng của một tàu ngầm. Tàu sử dụng động cơ điện, có thể đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Vỏ tàu được làm bằng composit nên độ bền cao hơn vỏ thép. Theo ông Trân, hơn 90% linh kiện được tìm mua hoặc chế tạo trong nước, chỉ mỗi động cơ là phải mua từ nước ngoài. |
Nguồn Theo DVO/Đất Việt