Nhà xuất khẩu và doanh nghiệp Mỹ có hoạt động quốc tế đang gặp thua lỗ do sản phẩm và dịch vụ trở nên quá đắt đỏ. (Ảnh: TL)
Xuất khẩu sốc vì USD tăng nhiệt
USD tăng giá đang tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt thị trường Mỹ vì đây là thị trường chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 2/11 tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 75 điểm cơ bản, nhằm hạ nhiệt lạm phát cao nhất 40 năm.
Quyết định của FED tiếp tục đẩy giá đồng USD vào giai đoạn tăng giá mạnh so với nhiều loại tiền tệ khác. Từ đầu năm 2022 đến nay, USD đã tăng hơn 16% so với 16 loại tiền tệ khác cùng với nỗi sợ hãi về suy thoái kinh tế đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua USD. Nhà xuất khẩu và doanh nghiệp Mỹ có hoạt động quốc tế đang gặp thua lỗ do sản phẩm và dịch vụ trở nên quá đắt đỏ. Theo ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, các công ty có phần lớn doanh thu ở Mỹ đã giảm 15% thu nhập trong 3 quý đầu năm 2022, con số này của các công ty Mỹ có sự hiện diện quốc tế là 30,5% cùng kỳ.
Sự khó khăn của các công ty Mỹ ảnh hưởng tới nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi vì, không chỉ là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất, mà Mỹ còn ngày càng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là Mỹ, chiếm gần 1/3 tổng giá trị xuất khẩu. Việt Nam đang có 11 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt quy mô trên 1 tỉ USD.
Vì vậy, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với thị trường Mỹ và thị trường nước ngoài nói chung cũng đang lo lắng khi tỉ giá ảnh hưởng trực tiếp tới kinh doanh cũng như lợi nhuận. Lỗ vì chênh lệch tỉ giá đang là vấn đề lớn của nhiều doanh nghiệp chi trả bằng USD. Trong khi đó, doanh nghiệp vay nợ USD cũng đang chịu áp lực từ xu hướng tăng giá của đồng USD khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thiệt hại kép từ lãi suất và tỉ giá cộng lại lên cao.
Chẳng hạn, cuối quý II/2022, Tập đoàn Vingroup (VIC) có 77.400 tỉ đồng dư nợ bằng USD (chiếm 49% tổng nợ của VIC). Mặc dù phần lớn các khoản nợ bằng USD đã được phòng ngừa biến động tỉ giá, nhưng theo SSI Research, lợi nhuận năm 2022 của VIC sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của đồng USD. Bên cạnh đó, lãi suất cao hơn cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty do nợ ròng của Tập đoàn tính đến cuối quý II/2022 là 115.000 tỉ đồng. Tại Công ty Phát điện 3 (PGV), nợ bằng USD đạt 36.900 tỉ đồng (tương đương 1,57 tỉ USD), chiếm 87% tổng dư nợ. USD tăng giá có thể dẫn đến lỗ chênh lệch tỉ giá...
Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng việc mở rộng biên độ tỉ giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ lớn như ngành thép, hàng không, điện... Đặc biệt, doanh nghiệp sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, gần 30% hợp đồng xuất khẩu được ký bằng các ngoại tệ khác USD như đồng JPY (Nhật), CNY (Trung Quốc), KRW (Hàn Quốc), đồng EUR hay đồng GBP (Anh). Khi đồng Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác, nếu nhập khẩu từ các quốc gia đó Việt Nam được lợi còn xuất khẩu vào sẽ phải chịu thiệt hại. “Các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU, Nhật, Trung Quốc đang phải gánh chịu những thiệt hại rất lớn”, ông Thịnh chỉ ra.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng, tỉ giá hối đoái tăng thường có lợi cho nhà xuất khẩu, ngược lại bất lợi cho nhập khẩu do hàng hóa từ bên ngoài sẽ trở nên đắt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung toàn cầu, tỉ giá đang gây áp lực căng thẳng cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU có nguy cơ rơi vào suy thoái, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Ảnh hưởng dây chuyền khiến những tháng gần đây, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ đang sụt giảm rất mạnh, đặc biệt tại thị trường Mỹ, EU. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 80% doanh nghiệp hiện cho biết doanh thu sụt giảm so với năm 2021. Mức sụt giảm đơn hàng trung bình tại các thị trường Mỹ, EU và Anh được dự báo là trên 40%.
Đây cũng là tình cảnh của ngành xuất khẩu dệt may. Trong nửa đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỉ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8/2022, cho thấy sự chậm lại đáng kể trong đơn đặt hàng. Theo Công ty Chứng khoán SSI, doanh nghiệp dệt may đang chịu tác động bởi việc giảm tỉ giá USD/VND: Mặc dù hầu hết các công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí cũng được tính bằng USD như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay.
Do đó, trong quý II/2022, nhiều công ty đã ghi nhận khoản lỗ tỉ giá (đã thực hiện và chưa thực hiện) tăng đáng kể dẫn đến khoản lỗ hoạt động tài chính khi tỉ giá USD/VND giảm 2,0% trong quý, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao (như Sợi Thế Kỷ, Thành Công, TNG).
“Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may bị ảnh hưởng khi giá đồng USD biến động, chi phí nhập khẩu tăng cao, đầu ra không tăng, đơn hàng sụt giảm khiến một số doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, nhận định.
Trong nửa đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỉ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8/2022, cho thấy sự chậm lại đáng kể trong đơn đặt hàng. (Ảnh: Quý Hòa) |
Để đối phó với biến động tỉ giá hiện nay, doanh nghiệp xuất nhập khẩu lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Doanh nghiệp ứng phó với các biến động tỉ giá có thể tham gia quỹ bảo hiểm tỉ giá để đề phòng ngừa rủi ro. Ở góc độ vĩ mô, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chấp nhận đồng nội tệ mất giá ở mức độ nào đó là phù hợp với bối cảnh chung, nhưng mức độ mất giá cụ thể là bao nhiêu sẽ là yếu tố phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng. Điều chỉnh tỉ giá cần có sự tính toán trên sự cân đối các yếu tố lạm phát, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, thanh toán nợ...