Nguồn ảnh: baotintuc

 
Trang Lê Thứ Ba | 24/09/2019 07:20

Xuất khẩu sang Ấn Độ gặp khó, 80% doanh nghiệp hương nhang Việt Nam sẽ phá sản?

Kể từ khi Bộ Công Thương Ấn Độ ra thông báo thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang, toàn ngành phải chịu lỗ lũy kế.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 31/08/2019, bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) đã ban hành Thông báo số 15/2015-2020 điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang (Agarbatti).

Cụ thể, việc nhập khẩu hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Theo nội dung thông báo trên, việc nhập khẩu hương nhang phải xin phép và được một Ủy ban liên Bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng.

"Hạn chế nhập khẩu" là nhập khẩu có điều kiện nhưng đã 20 ngày trôi qua, phía Ấn Độ vẫn chưa có thông báo về những điều kiện cụ thể của việc nhập khẩu. Và việc này có tác động rất lớn đến ngành hương nhang Việt Nam bởi Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chủ chốt và không có thị trường thay thế của sản phẩm này. 

 

Tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của Ấn Độ trong tháng 10. Do đó, thời điểm này, các doanh nghiệp của Việt Nam đều tập trung nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu để sản xuất hàng.

Toàn ngành hiện có lượng hàng tồn kho nhang thành phẩm khoảng 10.000 tấn, giá trị khoảng 140 tỉ đồng, nguyên vật liệu tồn kho cũng khoảng 8.000 tấn, giá trị khoảng 100 tỉ đồng.

Ông Võ Xuân Hậu, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH thiết bị Trường Giang cho biết, đây là quyết định đột ngột, làm cho các doanh nghiệp trong ngành hương nhang lao đao. Hiện nay, lượng tồn kho đang rất lớn, trên 10.000 tấn. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thì hơn 80% doanh nghiệp phải phá sản. 

Theo Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước thì mặt hàng hương nhang là rất nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn khi đây là những doanh nghiệp ở nông thôn, nguyên liệu đơn giản, thậm chí là phế phẩm của ngành khác nhưng đem lại giá trị cao. Vì thế, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác làm việc với phía Ấn Độ, phương châm là quyết liệt để phía bạn hiểu rằng, Việt Nam không chấp nhận cách hành xử như vậy dù là mặt hàng nhỏ.

Hiện Bộ trưởng Bộ Công thương đã có công thư gửi Bộ Công thương Ấn Độ, trong đó đề nghị tất cả hợp đồng đã ký trước 31/8 phải được tiếp tục thông quan, tạm ngưng yêu cầu cấp phép đến sau tháng 10/2019 để có thời gian trì hoãn cho doanh nghiệp 2 nước xử lý, nhưng vẫn mong muốn phía Ấn Độ xem xét bãi bỏ quy định này

Đến nay, phía Ấn Độ cũng chưa có động thái gì hay bất kỳ giấy phép nhập khẩu nào được cấp cho sản phẩm này lưu thông trở lại.

Nguồn Tổng hợp