Ước tính kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay sẽ đạt 1,5 tỉ USD. Ảnh: TTV

 
Cẩm Tú Thứ Hai | 10/07/2023 13:41

Xuất khẩu rau quả sẽ mang về 5 tỉ USD trong năm nay

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả mang về gần 2,8 tỉ USD, xấp xỉ 82% của cả năm 2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã mang về gần 2,8 tỉ USD, tương đương 82% của cả năm 2022. Nếu duy trì đà này, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt 5 tỉ USD xuất khẩu rau quả cho cả năm 2013.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết kim ngạch tăng mạnh là nhờ thị trường Trung Quốc và đóng góp lớn nhất là mặt hàng sầu riêng. Ước tính kim ngạch sầu riêng năm nay sẽ đạt 1,5 tỉ USD. 

 

Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 4 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng, nghĩa là Việt Nam đáp ứng chưa tới 40% nhu cầu về loại trái này tại đất nước đông dân thứ nhì thế giới. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nếu so về vị trí địa lý thì Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Thái Lan hay Malaysia trong việc xuất khẩu. Chẳng hạn để đến được các chợ của Trung Quốc, Thái Lan mất thời gian vận chuyển từ 8-10 ngày, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 1,5 ngày. Vận chuyển ít ngày nên các khoản chi phí đều kéo giảm, giúp cạnh tranh về giá bán ở thị trường tỷ dân.

Tuy nhiên, lợi thế vận chuyển chưa bù đắp điểm yếu về giống và thương hiệu. Người Trung Quốc quen ăn sầu riêng của Thái Lan và Malaysia, do vậy sầu riêng Việt Nam tiêu thụ vẫn ít hơn và giá cũng thấp hơn.

Báo cáo mới đây của Cục Trồng trọt cho thấy, số lượng cây đầu dòng (cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định) của các tỉnh phía Nam chỉ vỏn vẹn 666 cây; trong khi nhu cầu thực tế mỗi năm của cả nước lên đến 250 triệu cây giống. Điều này cũng có nghĩa nông dân đang sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc hoặc kém chất lượng để sản xuất cây ăn trái.

Nếu làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường... thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.
Nếu làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, mở rộng thị trường... thì con số 10 tỉ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam là có thể đạt được trong 5 năm tới. Ảnh: T.L

Kết quả kiểm tra 5 đơn vị sản xuất giống và 201 đơn vị kinh doanh giống cây ăn trái của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phía Nam trong năm 2022 cho thấy, chỉ có 18 đơn vị kinh doanh giống đảm bảo yêu cầu theo quy định. Như vậy, có tới 91% số cơ sở không đạt yêu cầu. 

Đó cũng là lý do khiến cho dù tăng trưởng nhanh, song ngành rau quả Việt Nam mới là nguồn cung cấp thứ 3 cho Trung Quốc, sau Chile và Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Năm 2022, rau, củ, quả Việt Nam chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU.

Người trong ngành cho rằng, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Trong khi đó, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.

Có thể bạn quan tâm:

Xuất khẩu gạo tăng gần 35% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái