Thứ Bảy | 13/07/2013 13:39

Xuất khẩu nông, thủy sản vào Nhật Bản ngày càng khó khăn

Việc xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đang ngày càng khó khăn do những rào cản về kỹ thuật và yêu cầu chất lượng ở mức cao.
Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản vào Nhật Bản của Việt Nam 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm. Thậm chí, một số mặt hàng được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển cũng chưa tận dụng được lợi thế tại thị trường này.

Nguyên nhân do các rào cản kỹ thuật, yêu cầu chất lượng của Nhật Bản ở mức cao. Việc đồng yen giảm giá gần 20% trong vòng 6 tháng qua cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Nhật đã phải đàm phán lại với nhà nhập khẩu về mức giá hoặc phải giảm đơn hàng xuất khẩu nhằm giảm bớt thiệt hại do chênh lệch giá.

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad), vừa có thêm một cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản sang Nhật bị cơ quan chức năng nước này cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh.

Theo đó, cơ sở này bị cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện lô tôm chiên bột xuất khẩu vào thị trường trên có dư lượng Chloramphenicol vượt mức cho phép. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, có 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản bị kiểm soát đặc biệt. Trước đó, trong tháng 4, Nhật Bản đã trả về 5 lô hàng tôm đông lạnh của Indonesia vì có dư lượng BKC vượt quá mức giới hạn 0,01ppm.

Không chỉ thủy sản, mặt hàng gạo Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, Angimex hầu như không thực hiện được việc xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật. Được biết, năm ngoái, Angimex là đơn vị dẫn đầu xuất khẩu gạo sang Nhật trong năm 2012 của Việt Nam. Cũng theo ông Tiến, để được xuất khẩu gạo vào thị trường Nhật, các doanh nghiệp phải vượt qua hơn 500 chỉ tiêu kiểm tra của cơ quan kiểm soát chất lượng nước này.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các lợi thế tại thị trường Nhật Bản khi tham gia xuất khẩu hàng hóa vào nước này. Các lợi thế này bao gồm nhu cầu tiêu thụ cao của người dân Nhật Bản do sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nông sản Việt Nam còn được giảm thuế theo lộ trình không bị kiện bán phá giá, chống trợ cấp như tại Mỹ, EU.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện