Xuất khẩu nông, thủy sản: “Lượng” và “chất”
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong tháng 1/2013, kim ngạch XK nông, thủy sản ước đạt 2,17 tỉ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tạo đà cả năm
Kết thúc tháng 1/2013, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã xuất 534.000 tấn gạo với giá trị 259 triệu USD, tăng 108,5% về lượng và 76,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Hiện giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm 2012. Giá XK bình quân đạt 454 USD/tấn, thấp hơn 30 – 40 USD/tấn so với gạo Ấn Độ và Pakistan. Hiện phần lớn hợp đồng XK gạo là thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Châu Phi chiếm trên 80% lượng hàng XK. Đây được xem là một kỳ công rất đáng được ghi nhận. Về mặt hàng cà phê, đã xuất được 191.000 tấn, với giá trị đạt 387 triệu USD, tăng 70,6% về lượng. Trong đó hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của VN là Hoa Kỳ (chiếm 12,51%) và Đức (11,63%) đều tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị.
Đối với mặt hàng hạt điều, cũng đã XK hơn 14.000 tấn, với kim ngạch XK đạt 88 triệu USD và tiếp tục giữ vững “quán quân” là quốc gia XK nhân điều lớn nhất thế giới. Trong đó hai thị trường XK lớn của VN là Mỹ (chiếm 27,6%) và Trung Quốc (19,6%).
Giá trị kim ngạch XK thủy sản cũng đã đạt được 376 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ và Mỹ vẫn duy trì được vị trí nhập khẩu hàng đầu của thủy sản VN, chiếm 19,15%, tiếp đến là Nhật Bản (17,81%) và Hàn Quốc (8,36%).
Để trụ vững trên thị trường
Theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, tuy có nhiều mặt hàng nông sản xếp hạng nhất nhì thế giới về XK, song đến nay, nông sản VN XK vẫn chưa làm chủ được thị trường thế giới. Hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh về số lượng, nhưng giá trị lại tăng rất thấp, không tương xứng với sản lượng. Chúng ta mới chỉ XK nguyên liệu thô, không có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp, kinh doanh kém hiệu quả. Nếu không sớm cải thiện những "lỗ hổng" này thì đến lúc nào đó, XK nông sản của chúng ta sẽ rất khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hướng XK trong năm 2013 và những năm tiếp theo là phải phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh.
Tuy nhiên theo GS TS Võ Tòng Xuân, để tăng giá trị gia tăng mặt hàng nông, thủy sản một cách hiệu quả cần xem xét từng khâu trong quá trình sản xuất của ngành hàng, xác định công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao ngay trong một sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và từng bước khẳng định vị thế của các mặt hàng nông, thủy sản VN trên trường quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa nhà máy chế biến và nông hộ với nhau đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và quan trọng hơn là sự bình đẳng giữa các chủ thể về lợi ích, trong đó cần ưu tiên lợi ích đối với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, những người sản xuất nguyên liệu; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các đơn vị liên quan cần nắm sát thông tin thị trường, đồng thời đầu tư đổi mới dây chuyền nhằm đảm bảo tốt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… Đây là điều kiện kiên quyết để ngành hàng nông, thủy sản VN có cơ hội “trụ vững” trên thương trường quốc tế.
(Theo DDDN)