Thứ Tư | 04/06/2014 10:09

Xuất khẩu nông sản nửa năm 2014: Tăng vẫn lo

5 tháng đầu năm 2014, XK nông, lâm, thủy sản cả nước tăng 12,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực lại giảm mạnh.
Vì vậy, hôm qua (3/6), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cùng các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng đã họp bàn các giải pháp tháo gỡ.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của nước ta 5 tháng đầu năm 2014 đạt 8,92 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỉ trọng 15,2% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của cả nước.


Một số mặt hàng có mức tăng cao là XK thủy sản ước đạt 2,9 tỉ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ; cà phê gần 2 tỉ USD, tăng 31,3%; hạt tiêu 669 triệu USD, tăng 47,7%; hạt điều 617 triệu USD, tăng 11,3%; rau quả 475 triệu USD, tăng 28,4%...

Trong các thị trường chủ chốt của Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường có tốc độ tăng kim ngạch XK mạnh nhất với mức tăng trên 39%, chiếm gần 14% tổng kim ngạch nhóm hàng nông, lâm, thủy sản; tiếp theo là EU tăng 23,8%, chiếm 18,3% kim ngạch và Nhật Bản tăng 11,8%, chiếm 6% tổng kim ngạch...

Việc tăng trưởng mạnh về kim ngạch XK sang các thị trường trên có nguyên nhân do hầu hết các mặt hàng XK chủ lực và chiếm tỉ trọng XK lớn sang các thị trường này như cà phê, hạt tiêu, thủy sản, hạt điều... đều tăng mạnh về giá và cả sản lượng.

Cũng theo Bộ Công thương, mặc dù tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm nay tăng, nhưng rất đáng lo ngại là trong tháng 5/2014 lại tụt tới 18%, trong đó rất nhiều mặt hàng XK chủ lực tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt các mặt hàng này lại đều có tỉ trọng XK lớn sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,3 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ và chỉ chiếm 18,3% tổng kim ngạch... Việc tụt giảm kim ngạch trong nửa đầu năm nay được lí giải do nhiều mặt hàng chủ lực có tỉ trọng XK lớn sang Trung Quốc đều tụt giảm rất mạnh về lượng.

Cụ thể, XK sắn và sản phẩm sắn sang thị trường TQ chiếm tới 86,6%, nhưng 5 tháng đầu năm nay lại giảm 17,1% kim ngạch XK so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 374 triệu USD. XK cao su 5 tháng đầu năm nay của nước ta cũng giảm tới 39,3% kim ngạch, chỉ đạt 472 triệu USD, trong đó tính đến hết tháng 4/2014, XK cao su sang thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 35,8% tổng lượng XK cao su cả nước, giảm tới 37,7% về lượng và 53,4% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Trong khi đó về XK gạo, 5 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục tụt giảm 5,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,2 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tới hơn 46% tổng lượng gạo XK cả nước...

Bộ Công thương đánh giá, việc XK sắn tụt giảm liên tục từ năm 2013 đến nay tại thị trường Trung Quốc phần lớn do sự trì trệ của ngành SX Ethanol tại nước này. Đến nay, các NM cồn tại Trung Quốc đã đóng cửa tới gần 70%, số còn lại giảm công suất.

Trong khi đó theo bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, việc tụt giảm nghiêm trọng kim ngạch XK cao su vẫn chủ yếu do cung vượt cầu trên toàn thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội, tình trạng này có thể sẽ còn tiếp diễn ít nhất trong vòng vài năm tới. Về lúa gạo, sự tụt giảm XK vẫn được cho là do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các nước trong khu vực khiến thị trường lúa gạo Việt Nam tiếp tục co lại.

Mặc dù XK nhiều mặt hàng giảm mạnh, tuy nhiên Bộ Công thương vẫn nhận định, XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản năm 2014 sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng, ước đạt khoảng 21 tỉ USD, tăng 5,8% so với năm 2013.

Việc kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 5/2014 giảm tới 18% là vấn đề rất đáng lưu ý. Mặc dù kim ngạch XK 5 tháng đầu năm 2014 tăng 12,7%, nhưng so với mức tăng chung của các năm từ 20 – 22% thì vẫn rất thấp.Đặc biệt trong hoàn cảnh Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm trái phép vào vùng biển Việt Nam từ đầu tháng 5/2014 đến nay cũng có thể khiến hoạt động của thị trường XK bị ảnh hưởng. Đây là vấn đề cần phải hết sức quan tâm bởi liên quan đến đời sống của hàng chục triệu nông dân.Về việc tụt giảm của nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực, nguyên nhân chủ yếu tới thời điểm này theo đánh giá của Bộ Công thương, vẫn là do tình hình kinh tế ở nhiều thị trường XK chủ chốt của ta gặp khó khăn, họ hạn chế NK.Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản của ta đang chịu cạnh tranh gay gắt của các nước khác, điển hình như lúa gạo, trong khi đó phải khẳng định sức cạnh tranh nhiều mặt hàng của ta vẫn còn thấp và chưa chú trọng khai thác thị trường nội địa.Về phía Bộ Công thương, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu rau quả, xử lí các vấn đề liên quan tới chống bán phá giá và các rào cản thương mại, trong đó đặc biệt sẽ tập trung đẩy nhanh đàm phán TPP, đồng thời chú trọng hơn nữa vào thị trường tiêu thụ nông sản nội địa thông qua chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”...Về mậu dịch biên giới, hiện Việt Nam đã ký kết lại Hiệp định mậu dịch biên giới với Lào và Campuchia, tuy nhiên hiệp định với phía Trung Quốc chúng ta ký từ năm 1996 đến nay vẫn chưa ký lại, sắp tới chúng tôi cũng sẽ triển khai việc ký lại.


Nguồn Nông nghiệp Việt Nam


Sự kiện