Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm: Không quá tệ!
Trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, hồ tiêu có lẽ là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong nửa đầu năm nay. Tính đến giữa tháng 5, các DN đã xuất khẩu được 83.471 tấn hạt tiêu, đạt giá trị trên 579 triệu USD.
Nếu so với 6 tháng đầu năm 2013, thì chỉ riêng trong 4 tháng rưỡi đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu đã cao hơn cả về lượng lẫn giá trị.Cụ thể về lượng cao hơn 1.642 tấn và giá trị cao hơn 43 triệu USD.
Như vậy, đến giờ này, đã có thể khẳng định chắc chắn rằng, xuất khẩu hồ tiêu trong 6 tháng đầu năm nay sẽ tăng cao cả về lượng lẫn giá trị. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lượng hạt tiêu xuất khẩu từ 1/1-15/5/2014 đã tăng tới 34,1% và giá trị tăng tới 41,66%.
Bởi thế, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã không ngần ngại khẳng định rằng, hồ tiêu là ngành hàng dẫn đầu về mức tăng trưởng của các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm nay. Về giá trị xuất khẩu, hạt tiêu chỉ đứng sau thủy sản, gỗ, cà phê và gạo, và qua mặt nhiều mặt hàng đã vào CLB tỷ USD từ nhiều năm nay như điều, cao su, sắn...
Không những tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, mà so với kỳ vọng được đặt ra cho 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu cũng đã vượt xa mong đợi, nhất là về mặt giá trị. Hạt tiêu Việt Nam lần đầu tiên lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị từ 1 tỷ USD/năm sẽ trở thành hiện thực ngay trong năm nay.
Cà phê cũng là một mặt hàng nông sản chủ lực đã xuất khẩu vượt quá sự mong đợi trong nửa đầu năm nay. Trước đây, xuất khẩu cà phê trong những tháng đầu năm thường không cao, chỉ tập trung vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý 4.
Thế nhưng nửa đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại tăng rất mạnh. Đến giữa tháng 5, cả nước đã xuất khẩu được trên 885 ngàn tấn, đạt giá trị hơn 1,783 tỷ USD. Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, dự kiến trong năm nay, xuất khẩu cà phê sẽ đạt không dưới 1,5 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD. Song, chỉ trong 5 tháng đầu năm, cà phê xuất khẩu đã đạt trên 59% cả về lượng lẫn giá trị so với mức dự kiến của cả năm.
Thủy sản cũng là một trong những ngành hàng chủ lực mà hồi đầu năm được dự báo là chỉ cố gắng duy trì ở mức xuất khẩu như năm ngoái, bởi những khó khăn về thị trường, về nguồn nguyên liệu … Thế nhưng, trái với lo ngại, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm nay lại có mức tăng trưởng khá tốt. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã đạt giá trị 2,86 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, dự tính xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay có thể đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Sở dĩ có được mức tăng trưởng tốt như vậy, chủ yếu vẫn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu tôm. Bởi bước vào đầu năm nay, nguồn nguyên liệu tôm trong nước dồi dào, giá tôm ở các thị trường nhập khẩu tăng cao, sản lượng tôm nhiều nước tiếp tục suy giảm do dịch bệnh.
Trong 5 tháng qua, giá trị tôm xuất khẩu đã đạt tới trên 1,4 tỷ USD, tăng tới 63% so với 5 tháng đầu năm 2013. Đáng chú ý là ở nhiều thị trường khó tính, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đã tăng trưởng tới 3 con số trong 5 tháng qua, như Mỹ tăng 120%, Thụy Sỹ tăng 109%, Hàn Quốc tăng 108%… Dự kiến trong năm nay, xuất khẩu tôm tiếp tục vượt xa kỷ lục của năm ngoái (3,1 tỷ USD) để đạt mức 3,5 tỷ USD.
Các mặt hàng gỗ, rau quả, điều … cũng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá tốt. Trong 5 tháng đầu năm nay, XK gỗ đã đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với mặt hàng rau quả, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5 đã đạt giá trị trên 432 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với cùng kỳ năm 2013. Đến giữa tháng 5, xuất khẩu điều cũng đã đạt 86.288 tấn và giá trị xấp xỉ 542 triệu USD, tăng 10.700 tấn và trên 71 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Những mặt hàng gặp khó
Bên cạnh những mặt hàng nói trên, trong nửa đầu năm nay vẫn có những mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu không được như mong đợi. Đây đều là những mặt hàng mà ngay từ đầu năm, đã có những dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả.
Trước hết phải nhắc tới mặt hàng gạo. Do đã lường trước được những khó khăn rất lớn về đầu ra, nên ngay từ đầu năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đề ra mục tiêu xuất khẩu gạo chính ngạch cả năm nay vào khoảng 6,5-7 triệu tấn. Đến hết tháng 5, xuất khẩu gạo chính ngạch mới chỉ đạt 2,336 triệu tấn, giảm tới 451 ngàn tấn so với 5 tháng đầu năm 2013. Còn về giá trị chỉ đạt 1,013 tỷ USD (giá FOB), giảm 198 triệu USD.
Giá gạo Thái Lan giảm quá sâu do hoạt động đẩy mạnh bán gạo tồn kho của nước này, là nguyên nhân chính khiến cho xuất khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam đang gặp phải quá nhiều trắc trở. Hiện tại, trong khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 405-415 USD/tấn, thì gạo cùng loại của Thái Lan chưa tới 400 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam có giá 365-375 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới gạo của Việt Nam vẫn thường không được đánh giá cao bằng gạo cùng loại của Thái Lan. Vì thế, với mức giá thấp hơn như trên, gạo Thái Lan đang chiếm lĩnh hàng loạt thị trường quan trọng của gạo Việt Nam như Malaysia, châu Phi …
Cũng may gạo Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay lại tăng rất mạnh, và dự kiến cả năm sẽ có khảng 1,7-1,8 triệu tấn gạo được bán sang nước này qua đường biên mậu. Nhờ vậy, dù xuất khẩu chính ngạch giảm mạnh và VFA đã phải buộc lòng phải hạ mục tiêu xuất khẩu chính ngạch cả năm xuống còn 6,2 triệu tấn, nhưng lúa gạo hàng hóa trong nước vẫn đang được tiêu thụ bình thường.
Bi quan nhất có lẽ là mặt hàng cao su. Từ ngày 1/1-15/5/2014, lượng xuất khẩu cao su chỉ đạt 213.868 tấn, trị giá trên 424 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lượng cao su xuất khẩu giảm 47.810 tấn (giảm 18,27%), giá trị giảm tới trên 263 triệu USD (giảm 38,28%).
Nguồn Nông nghiệp Việt Nam