Xuất khẩu nông lâm thủy sản: Vì sao lao dốc?
Số liệu của Bộ Công thương, tháng 8-2013, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng 7 và tăng 11,4% so với tháng 8 năm 2012. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 84,82 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khác với mọi năm, nhóm hàng chính giúp kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ không phải là nhóm hàng nông lâm thủy sản. Ngược lại, nhóm này trong hơn nửa chặng đường đã đi qua năm 2013, lại chỉ nhận được những con số thụt lùi trong kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, thống kê của Bộ Công thương cho hay, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt gần 13,2 tỷ USD, con số này đã giảm 6,8% so với cùng kỳ 2012. Điều đáng nói là, những ngành hàng chính trong nhóm này đã thường xuyên chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu lại có xu hướng giảm, cụ thể kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm 21,8%, gạo giảm 14,2%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 23,8%, cao su giảm 14,3%.
Đưa ra nguyên nhân của sự tụt dốc này, Bộ Công thương cho rằng, chủ yếu do nhu cầu thị trường thế giới giảm do kinh tế thế giới vẫn đang suy thoái, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới giảm và nguồn hàng cho xuất khẩu giảm do một số mặt hàng đã hết mùa vụ. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan nói trên, nguyên nhân chính vẫn từ bản thân nội tại của các DN.
Trước hết, là sản phẩm gạo, sản phẩm chủ đạo của nông nghiệp và thường xuyên chiếm vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu. Thời gian qua, người ta chứng kiến sự bấp bênh, bất ổn đến mức báo động của ngành này. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã bày tỏ lo ngại rằng, trong bối cảnh xuất khẩu gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn cung dồi dào thì cuối tháng 8 vừa qua, Thái Lan đã xả hàng tồn kho với giá quá thấp, 380 USD/tấn, với giá này, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam khó mà cạnh tranh nổi. Cùng với đó, hàng loạt hợp đồng xuất khẩu gạo đang bị đối tác đơn phương chấm dứt, mà theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), số hợp đồng bị hủy chủ yếu từ đối tác đến từ Trung Quốc (chiếm tới 80%). Lý giải nguyên nhân gây ra bất cập này, ông Hải cho rằng, Trung Quốc là đối tác mới, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đang tìm cách tập trung khai thác. Tuy nhiên, các DN chỉ có thể xuất qua hình thức tiểu ngạch, dẫn đến tình trạng quy định hợp đồng không có ràng buộc chặt chẽ. Đây là lý do chính dẫn đến hàng loạt hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy bỏ trong thời gian qua.
Không khá hơn gạo, ngành hàng cà phê cũng đang gặp không ít khó khăn. Thông tin đến từ Hiệp hội Cà phê ca cao (Vifoca), với sản lượng xuất khẩu giảm 20% so với năm ngoái, giá xuất khẩu cà phê cũng đang tuột dốc trông thấy. Và nguyên nhân được đưa ra là, ngoài những yếu tố khách quan đến từ thị trường quốc tế do suy thoái kinh tế và nhu cầu tiêu thụ giảm… thì việc các DN tham gia xuất khẩu ồ ạt, dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá đã khiến giá xuất khẩu cà phê tụt giảm nặng nề.
Tình trạng này cũng đã từng xảy ra với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản và cho đến thời điểm này, ngành thủy sản vẫn chưa tìm được lời giải hiệu quả nhất cho bài toán xuất khẩu. Dẫn đến thực trạng cánh cửa nhiều thị trường nước ngoài đang dần khép lại với các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam, một trong số đó phải kể đến Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu truyền thống nhiều mặt hàng của Việt Nam - song nay lại trở thành nơi tạo nhiều rào cản thương mại nhất đối với DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về thị trường quốc tế của DN Việt cũng là một trong những nguyên nhân đẩy kim ngạch xuất khẩu lao dốc. Điều này được chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, khi ông chính là người đã trực tiếp chứng kiến và cảm nhận. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ, thì vị cà phê của Việt Nam là quá đậm so với thị hiếu của họ. "Người Mỹ thích uống cà phê loãng, thì chúng ta không thể cứ mang loại thật đậm sang bán cho họ”, bởi vậy, theo ông Hiếu, nếu DN Việt cứ mang những thứ mình có để xuất khẩu mà không quan tâm đến việc đối tác họ cần gì, thì khó có thể phát triển mạnh mẽ và lâu bền ở bất kỳ lĩnh vực nào, chứ không chỉ riêng đối với lĩnh vực cà phê. "Do vậy, sự hiểu biết về thị trường mình hướng đến là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của DN”, TS Hiếu khẳng định.
(Theo ĐĐK)