Thứ Tư | 13/03/2013 10:09

Xuất khẩu nhiều, giá vẫn thấp

Xuất khẩu dựa trên nền tảng giá rẻ và không có thương hiệu khiến hàng hóa Việt Nam long đong trên thị trường thế giới.

Liên tiếp trong nhiều năm, ngành nông - lâm - thủy sản nước ta đạt tỷ lệ xuất siêu. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm nhóm ngành hàng này là 25,7 tỷ USD (tăng 9,7% so với năm 2011), trong đó có 7 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, gồm: gạo, cà phê, cao su, đồ gỗ, hạt điều, sắn, thủy sản. Nhưng nếu bóc tách từng vấn đề, vẫn nổi lên nhiều lo ngại.

Gian nan dẫn đầu

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2012, nhiều nhóm hàng nông sản tăng mạnh về lượng, nhưng giá lại giảm như: sắn và sản phẩm sắn (tăng 55,2% về lượng, nhưng giá lại giảm 16,8%); cà phê (tăng 37,9%, giảm 6,2%); hạt điều (tăng 25,6%, giảm 15%); gạo (tăng 13,1%, giảm 7,1%); chè (tăng 10,4%, giảm 2,2%)... Nói cách khác, các doanh nghiệp tích cực tăng số lượng xuất để bù lại giá trị giảm nên mới đạt được kim ngạch xuất khẩu trên.

Rất nhiều sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam nằm trong tốp đầu của thế giới, nhưng hầu như không chi phối thị trường, áp đặt được mức giá tốt mà liên tục bị nhà nhập khẩu nước ngoài ép giá, không những thế còn bị ảnh hưởng bởi những trò "quân ta đánh quân mình".

Điển hình là gạo. Ngành hàng gạo có một hiệp hội mạnh, được sự hỗ trợ từ Chính phủ, cũng như có "thượng phương bảo kiếm" là Nghị định 109 để chống bán phá giá gạo, nhưng kinh doanh không mấy khởi sắc. Năm 2012 xuất khẩu gạo đạt 7,72 triệu tấn, kim ngạch hơn 3,5 tỉ USD, tăng gần 8,3% về số lượng, nhưng lại giảm 1,98% về trị giá so với năm 2011, tức là xuất khẩu nhiều hơn năm trước 60.000 tấn gạo, nhưng lượng tiền thu về lại ít hơn khoảng 70 triệu USD.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, hạt gạo Việt Nam "long đong" trên thị trường thế giới không có gì lạ. Vấn đề nằm ở chỗ, gạo Việt chưa có thương hiệu, chất lượng không ổn định nên khó đạt giá tốt. Vấn đề nữa, doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu, không mua lúa trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái. Trong khi thương lái, vì lợi ích riêng họ trộn đủ loại giống gạo rồi giao cho doanh nghiệp xay xát nên không thể đúng tiêu chuẩn mà chỉ có thể dừng lại ở việc chia phẩm cấp theo mức độ 5, 15, 25% tấm để bán.

Tương tự, kết thúc năm 2012, thủy sản không đạt được kế hoạch xuất khẩu 6,5 tỷ USD như đã đề ra từ đầu năm mà chỉ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2011, trong đó hai mặt hàng tôm và cá tra đều sụt giảm. Xuất khẩu cá tra năm 2012 chỉ đạt 1,74 tỷ USD, giảm 3,4% so với năm 2011. Nguyên nhân đáng buồn là tình trạng bán phá giá, cũng như trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá tra, chỉ có 1% là chế biến sâu, còn 99% là phi lê đông lạnh và bán dưới giá thành. Cách đây nhiều năm, khó ai nghĩ ngành điều đứng trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, nhưng từ năm 2010 đã đạt 1,123 tỉ USD, năm 2011 đạt 1,35 tỉ USD và năm 2012 đạt 1,1 tỉ USD. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng điều thô, đứng thứ hai thế giới về chế biến và số một thế giới về xuất khẩu. Thế nhưng ngành điều Việt Nam đang trong tình trạng nguy hiểm, bởi vùng nguyên liệu ngày càng thu hẹp (giảm hơn 50.000 ha), năng suất hạt điều giảm. Hệ lụy là ngành điều ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu hạt điều thô từ nước ngoài. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng cao nên nhiều doanh nghiệp điều lâm vào cảnh không có lãi, thậm chí thua lỗ, có doanh nghiệp phải bán cắt lỗ để trả nợ ngân hàng. Chưa kể, ngành điều có đến 99% sản phẩm xuất khẩu chỉ là nhân điều sơ chế, giá trị không cao.

Các mặt hàng khác như cao su, sắn năm 2012 gặp khá nhiều thuận lợi do giá thế giới cao và nguồn cầu tăng mạnh. Nhưng hai mặt hàng này đang trông vào thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch. Đây không phải là điều đáng mừng vì nhiều năm qua đã chứng kiến Trung Quốc dựng lên rất nhiều rào cản thương mại để ép giá nhiều loại nông sản của Việt Nam. Sắn và cao su được hưởng lợi từ thị trường này do nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc tăng mạnh, nhưng nếu họ thực hiện những quy định khắt khe về nhập khẩu thì nguy cơ tồn đọng và rớt giá của cao su và sắn là không thể tránh khỏi.

Vẫn kỳ vọng…

Nếu như các bộ, ngành đều chung nhận định: ngành hàng nông - lâm - thủy sản vẫn là điểm sáng xuất khẩu trong năm 2013 thì hiệp hội các ngành hàng này đều có dự báo không mấy tích cực trong năm mới.Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), thương mại về gạo toàn cầu năm 2013 đạt 37,5 triệu tấn, tăng không nhiều so với năm 2012, nhưng là mức cao nhất từ trước đến nay. Dù vậy, xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do nguồn cung dồi dào, nhu cầu sụt giảm, đồng thời có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung (Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar). Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang trong tình trạng thiếu hợp đồng gối đầu trong quý 1/2013. Thị trường nhập khẩu thời gian tới sẽ tùy thuộc vào nhu cầu từ Indonesia và Trung Quốc. Một số nước châu Phi tồn kho còn nhiều nên nhu cầu mua gạo sẽ giảm.

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2013, Vinafruit tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD. Với vị trí top 5 nước xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới và tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm, kỳ vọng này của Vinafruit hoàn toàn có cơ sở.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhìn nhận, khó dự báo tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 vì đầu ra cho hàng hóa trong ngắn hạn chưa thể phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng, như, Mỹ tiếp tục là nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2012, Mỹ là thị trường lớn nhất về nhập khẩu cá ngừ và lớn thứ hai về nhập khẩu tôm và cá tra từ Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cẩn thận, không nên đổ dồn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tôm xuất sang các nước như: Singapore, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc có thể tăng vì tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á được dự báo ở mức ổn định. Dự báo trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt 6,4 tỷ USD.

Rõ ràng muốn thay đổi theo hướng xuất ít hơn, giá trị cao hơn, cần có một chiến lược đúng đắn và một tư duy kinh doanh khác. Đây là thách thức không dễ vượt qua!

(Theo Diễn Đàn Doanh nghiệp)