Ảnh: japan.net.vn
Xuất khẩu lao động: Vui trước, buồn sau
Ngọc Sơn, quê ở Nghệ An, đang ở trọ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), đã nộp hồ sơ đăng ký đi xuất khẩu lao động Nhật được hơn 1 tháng. Nhiều người quen ở quê cũng đi trong dịp này nên Sơn tham gia theo với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Với bằng tốt nghiệp trung cấp cơ khí, anh kỳ vọng sẽ tìm được một công việc liên quan ở Nhật.
Theo Cục Quản lý Lao động nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm 2023, Nhật là thị trường dẫn đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam với 55.690 lao động. Đây cũng là quốc gia ưa thích của lao động Việt Nam với hơn 345.000 người đang sinh sống và làm việc tại đây. Đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 về tiếp nhận lao động Việt Nam là Đài Loan (46.166 lao động) và Hàn Quốc (2.449 lao động).
Cũng trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã vượt chỉ tiêu 101,37% kế hoạch cả năm khi đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng với 111.507 người. Đó là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chững lại và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cung cấp việc làm ở các quốc gia đang phát triển.
Theo Tổng cục Thống kê, quý II/2023 có 1,08 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Vì thế, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, năm nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng mở rộng xúc tiến xuất khẩu lao động tại các thị trường mới, đặc biệt là châu Âu như Hungary, Ba Lan, Slovakia, Croatia...
Nhưng vấn đề là chính sách xuất khẩu lao động không chỉ thu hút những người trong độ tuổi lao động mà ngay cả các tân sinh viên cũng cân nhắc lựa chọn đi nước ngoài làm việc hơn là đầu tư 4 năm vào các chương trình đào tạo sau phổ thông.
Minh Tân là ví dụ điển hình. Chàng trai quê ở Long An trúng tuyển 2 trường đại học ngành kinh tế với mức học phí 25 triệu đồng/năm học cho một trường công lập và gấp đôi chi phí đó đối với trường tư. Nhưng Tân chọn du học nghề vì chi phí sinh hoạt ở TP.HCM trong thời gian học là khá cao và không có gì đảm bảo sẽ có công việc ổn định sau khi tốt nghiệp. Quan sát các anh chị học cùng ngành, Tân nhận thấy nhiều người có thâm niên trong nghề nhưng vẫn dễ bị thay thế mỗi khi thị trường có biến động. Điều đó càng khiến Tân cân nhắc kỹ hơn về quyết định của mình. Cuối cùng, Tân chọn du học nghề xây dựng ở Úc vì quốc gia này đang cần lao động trẻ tham gia ngành công nghiệp này nên có nhiều chính sách hỗ trợ.
Chưa có một thống kê cụ thể về số lượng người trẻ chọn xuất khẩu lao động thay vì tham gia các khóa đào tạo sau phổ thông, nhưng trước đó, báo cáo “Giáo dục để tăng trưởng” năm 2022 của World Bank đã chỉ ra số lượng sinh viên theo học cao đẳng, đại học có dấu hiệu chững lại từ năm 2019 vì nhiều gia đình đang phân vân với việc có nên cho con học lên nữa hay không.
Học phí và tổng chi phí bình quân để theo học đại học đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020. Lấy ví dụ, chỉ tính chi phí đi lại và ăn ở cho việc học đại học trong 1 năm đã tăng từ mức 143 USD (khoảng 3,5 triệu đồng) trong năm 2010 lên bình quân 559 USD (gần 14 triệu đồng) trong năm 2018.
Tính đến hết năm 2019, tỉ lệ người có bằng cao đẳng, đại học chỉ chiếm 10,2% dân số Việt Nam. Gần 90% còn lại là nhóm tốt nghiệp trung học trở xuống. Báo cáo chỉ ra rằng nếu Việt Nam không có các chính sách đột phá trong đầu tư giáo dục thì trong 2 thập niên tới, tỉ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học là dưới 15%, hay nói cách khác, vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay sẽ vẫn hiện diện vào năm 2050.
Điều này tác động rất lớn đến mục tiêu chuyển đổi kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao của Chính phủ Việt Nam. Nó cũng ảnh hưởng đến cả việc thu hút dòng vốn FDI. Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực và là một trong số ít các nước ở ASEAN vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ lo ngại trước việc thiếu cục bộ lực lượng lao động có kỹ năng nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh trong các ngành công nghiệp quan trọng.
Thực tế cho thấy năng suất lao động bình quân năm 2021-2023 tăng nhẹ từ 4,36% lên 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của giai đoạn 2016-2018. “Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và năng suất lao động cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Dung nói.
Rõ ràng, trong khi việc thiếu nhân lực đào tạo bằng cấp, chứng chỉ thấp (26,2%) đã và đang là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế Việt Nam thì việc xuất khẩu lao động có thể làm cho tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Trong ngắn hạn, xuất khẩu lao động giải quyết được bài toán việc làm trong bối cảnh khó khăn, nhưng về dài hạn nếu chính sách đào tạo trong nước không đủ hấp dẫn, cụ thể là nâng tỉ lệ kiếm được việc làm sau đào tạo, sẽ là trở ngại lớn cho việc phát triển nguồn lực cho các công ty nội địa, chứ đừng nói đến FDI.
Việc thiếu hụt nhân lực nội địa có thể bù đắp bằng lực lượng lao động nước ngoài khi Việt Nam được xếp là nơi thứ 2 người nước ngoài đến làm việc ở Đông Nam Á, theo khảo sát của InterNations năm 2022. Nhưng mức giá để thuê được nhân sự là không hề thấp đối với các doanh nghiệp nội địa và gần như không có lựa chọn nào khác để cạnh tranh. Lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lại gì khi vướng vào tình thế “nhà nghèo còn phải thuê giúp việc thu nhập cao”.