Hoàng Hạnh Thứ Hai | 05/02/2018 14:30

Xuất khẩu lao động: Khoản đầu tư dài hạn

Xuất khẩu lao động hiện thời không còn cõng theo nó giấc mơ đổi đời.

Tính toán thật của những chàng trai nông thôn đi làm thuê xứ người chắc hẳn sẽ khiến các nhà quản lý phải giật mình.

Phía sau thành tích

Anh Trần Văn T. (30 tuổi, ở Hưng Hà, Thái Bình) vừa trở về sau 2 năm làm công nhân xây dựng ở Algeria. Cầm trong tay số tiền tích cóp khoảng 200 triệu đồng, anh mua ngay một chiếc xe máy trị giá chừng 50 triệu đồng tặng cô vợ vừa cưới. Dù quê anh chỉ là một huyện nghèo của tỉnh Thái Bình, số còn lại cũng chẳng đủ mua mảnh đất và cất ngôi nhà tương đối tươm tất.

Không phải anh T. không tính toán. Nếu cố gắng làm thêm 2 năm nữa nơi đất khách, anh sẽ có đủ tiền trang trải nhu cầu thiết yếu nói trên. Một tháng lương 12 triệu đồng, làm thêm hưởng thêm, nai lưng làm lụng 2 năm nữa, khoản vốn dắt lưng có khi lên tới 500 triệu đồng. Thế nhưng vất vả, phá sức quá. Thời tiết khắc nghiệt của Algeria cộng với ngày lao động cật lực dưới sự giám sát của những đốc công lạnh lùng khiến mỗi đồng tiền kiếm được đều rất nhọc nhằn. Sau giờ làm là cuộc sống tù túng nơi nhà tập thể, biệt lập với thế giới bên ngoài do hạn chế về ngôn ngữ. Gần 200 triệu đồng tích cóp có được là bởi người lao động chỉ ăn, ngủ và làm việc, điều rất khó thực hiện nếu anh làm việc ở quê hay trong các đô thị Việt Nam. Còn đồng lương làm thuê ở Algeria cũng chẳng hơn nhiều công nhân lao động thường nhật trong nước. Sau đó, hết hạn “lao động xuất khẩu”, tương lai thợ hồ của anh T. vẫn chưa có gì đảm bảo sáng sủa hơn.

Tất nhiên, cũng có những điểm tích cực. Có lẽ lần đầu tiên, chàng trai nông thôn Thái Bình phải đối diện với một cường độ lao động khắc nghiệt đến vậy. Điều này may chăng có thể khiến anh điềm tĩnh chịu khó hơn khi trở lại làm lao động tự do, với công việc phụ hồ, xây, trát vữa, sơn tường.

Những câu chuyện không hiếm gặp nói trên chắc hẳn sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về thành tích xuất khẩu lao động. Theo đó, năm 2017, cả nước đưa đi được 134.751 lao động, vượt 28,3% so với kế hoạch năm. Không thể phủ nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết lao động cho người dân. Sự duy trì liên tiếp mức xuất khẩu hơn 100.000 lao động/năm chứng tỏ nhu cầu này ngày càng thiết yếu. Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống vẫn có nhu cầu tiếp nhận lao động. Chẳng hạn, thị trường Hàn Quốc mỗi năm vẫn cần khoảng 60.000 lao động. Thị trường Đài Loan vẫn có nhu cầu tuyển dụng gần bằng năm ngoái.

Những bàn tính về chuyện xuất khẩu cử nhân thời gian gần đây còn cho thấy, áp lực công việc không chỉ đè nặng lên người dân nông thôn, nạn nhân của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ồ ạt, thiếu quy  hoạch, đặt quyền lợi của nhà đầu tư lớn hơn lợi ích của người dân bản địa. Thành tích xuất khẩu lao động năm 2017 cũng mới chỉ giải quyết được 1/10 lao động thất nghiệp của Việt Nam. Món quà “dân số vàng” dường như đang bị phung phí, thậm chí, trở thành gánh nặng.

Nguồn thu 2 tỉ USD từ hơn nửa triệu “xuất khẩu lao động” là một con số đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang oằn lưng với gánh nợ công. Thế nhưng, sức lan tỏa của nó trong nền kinh tế có vẻ như chỉ giới hạn trong việc kích cầu tiêu dùng và xây cất nhà cửa.

Lý giải của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia với NCĐT rất đơn giản. Một mặt, việc xuất khẩu lao động đang giải quyết những nhu cầu tối thiểu trong đời sống thường nhật, khắc phục khó khăn trước mắt nên không thể có dư địa để tích lũy. Mặt khác, nếu muốn đầu tư, bản thân người lao động phải được hỗ trợ và trang bị kiến thức, biết lựa chọn cách thức đầu tư để không mất vốn. Xuất khẩu lao động hiện tại chủ yếu chỉ là lao động giản đơn, đối với họ, đây là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Một điều quan trọng khác cần được lưu ý. Trong không khí rộn ràng thành tích đưa người Việt sang nước ngoài lao động, tương lai xa cho nhóm người này đã không hề được cân lên đặt xuống đúng mức. Dễ thấy, khi sang xứ người, người lao động không được tham gia vào chế độ chính sách xã hội và y tế trong nước. Trở về khi đã trên dưới 35 tuổi, lựa chọn duy nhất của họ là trở lại làm nông nghiệp hay trở thành những lao động tự do và đương nhiên, không có lương hưu.

Sẽ đơn giản hơn nếu người lao động cố bám trụ cho tới khi tích đủ vốn liếng cho quãng đời còn lại. Chỉ có điều, thực tế lại không dễ dàng. Chọn việc giản đơn, sức trẻ, sức khỏe luôn được ưu tiên hàng đầu. Khi số lao động xuất khẩu hằng năm không dừng lại ở 100.000 người, gánh nặng từ những lao động hồi hương không thể tham gia lại vào thị trường lao động chính thức là điều cần phải tính toán.

Đi tìm giải pháp

Thừa nhận xuất khẩu lao động đang là giải pháp tốt để giải quyết nạn thất nghiệp, vốn là điều không thể tránh với các nước đang phát triển, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri vẫn khẳng định: “Chúng ta có thể làm tốt hơn”. Nói cách khác, Việt Nam phải xây dựng một chiến lược xuất khẩu lao động bài bản. Đề án “Đưa lao  động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện để trình Chính phủ. Đề án này là mảnh ghép cho tương lai tươi sáng hơn của lao động xuất khẩu Việt Nam.

Xuat khau lao dong: Khoan dau tu dai han
 

Về mục tiêu, phải xác định, người lao động ra nước ngoài để tiếp cận một nền sản xuất có trình độ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Từ đó, giúp họ nâng cao tay nghề, tiếp tục đóng góp trong thị trường lao động nội địa. Do đó, trong quá trình đào tạo, tập trung ưu tiên ngành có thế mạnh xuất khẩu lao động nhưng lao động trở về nước vẫn tìm được việc làm.

Đi xa hơn nữa, phải định ra xu hướng phát triển ở từng địa phương, từ đó, định hướng xuất khẩu lao động các địa phương đó vào những ngành tương tự. Ví dụ, Thái Bình có thế mạnh về nông nghiệp thì nên đưa lao động sang Nhật hay Israel làm việc nông nghiệp. Sau khi tiếp cận một nền kỹ thuật và công nghiệp của các nước, họ trở về tham gia vào ngành nông nghiệp địa phương.

“Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là phải nghiên cứu và tư vấn được những vấn đề đó, tạo ra các điều chỉnh. Khó có thể ngày một ngày hai tạo ra được một chiến lược hoàn thiện nhưng ít nhất nó cũng giảm những điều bất lợi”, vị chuyên gia chỉ rõ.

Đương nhiên, song song với việc xuất khẩu lao động, nền kinh tế phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chủ động tạo ra công việc cho người lao động. Nghĩa là, nó phải tạo ra được tăng trưởng bằng thực lực và đi vào thực chất. Đây là lối thoát duy nhất để người Việt không rơi vào viễn cảnh làm thuê giá rẻ trên đất nước mình và cả ở những phương trời xa lạ.