Thứ Hai | 11/03/2013 14:21

Xuất khẩu khí đốt Mỹ có thể rung chuyển thị trường năng lượng toàn cầu

Xuất khẩu khí đốt có thể giúp giảm thâm hụt thương mại Mỹ và giúp cung cấp nhiên liệu cho những nơi nguồn cung khan hiếm và đắt đỏ.
Bất chấp sự phản đối, Mỹ đang hướng đến xuất khẩu khí đốt tự nhiên, việc làm có thể làm rung chuyển thị trường năng lượng thế giới. Kỹ thuật khai thác từ đá phiến đã mang lại cho Mỹ lượng khí đốt tự nhiên nhiều kỷ lục với giá rẻ.

"Việc bùng nổ khai thác khí tự nhiên chỉ ra rằng, Mỹ có thể duy trì nguồn cung khí đốt giá rẻ trong ít nhất 30-50 năm nữa."

Xuất khẩu một phần sản lượng này có thể giúp giảm thâm hụt thương mại Mỹ và giúp cung cấp nhiên liệu cho những nơi nguồn cung khan hiếm và đắt đỏ.

Giá khí đốt tự nhiên trên sàn Nymex giao dịch tại 3,5 USD/triệu BTU (đơn vị đo nhiệt của Anh và Mỹ) - mức giá tương đối thấp. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tại các nơi khác trên thế giới đắt hơn nhiều, đặc biệt là ở châu Á.

Nhật Bản là một quốc gia đang rất muốn tận dụng nguồn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, kể từ khi trận siêu động đất và sự cố hạt nhân tại Fukushima khiến chi phí nhập khẩu năng lượng của quốc gia này tăng vọt. Nhật Bản chi trả cho khí đốt tự nhiên nhiều gấp 5 lần so với Mỹ.

Trong 2 năm qua, chi phí Mỹ trả cho khí đốt tự nhiên giảm khoảng 100 tỷ USD/năm, giảm cho nền kinh tế một gánh nặng đáng kể về chi phí năng lượng. Không lâu trước đó, Mỹ đã phải xem xét nhập khẩu khí hóa lỏng. Tuy nhiên, công nghệ khai thác từ đá phiến đã mang lại cho Mỹ 2.200 nghìn tỷ feet khối khí đốt có thể tái tạo, ước tính đủ cho nước này tiêu thụ trong 100 năm.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu khí đốt có thể dẫn đến tăng giá thành nội địa tại Mỹ, khiến những người đang tận hưởng nguồn cung giá rẻ không hài lòng.

Theo Carlos Pascual, đặc phái viên của bộ Ngoại giao và điều phối viên Năng lượng Quốc tế, bộ Năng lượng Mỹ năm ngoái cho biết, xuất khẩu khí đốt không đi trái với lợi ích của Mỹ. Pascual cũng cho biết, thị trường khí đốt tự nhiên tăng trưởng 3%/năm, trong khi thị trường LNG trưởng 9%/năm.

Tiêu thụ LNG tại châu Âu đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Mặc dù châu Âu trả chi phí LNG cao hơn Mỹ, một quan chức cho rằng, việc cạnh tranh với nguồn cung tại Mỹ có thể giúp châu Âu thương lượng được mức giá thấp hơn, chẳng hạn như với nhà sản xuất Gazprom của Nga.

Nguồn CNBC


Sự kiện