Bất chấp khó khăn do dịch COVID-19, ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2021 vẫn tăng trưởng vượt kỳ vọng. Ảnh: Quý Hòa

 
Ngọc Thủy Thứ Tư | 16/03/2022 07:30

Xuất khẩu gỗ tỉ USD : FDI thống lĩnh

Trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam, doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế.

Bất chấp khó khăn do dịch COVID-19, ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2021 vẫn tăng trưởng vượt kỳ vọng, tăng gần 20% và cán đích 14,8 tỉ USD, theo Tổng cục Hải quan. Đóng góp đáng kể vào thành tích này là nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khoảng 3 năm trước, nhóm FDI đã có gần 1.000 doanh nghiệp tham gia đầu tư ngành gỗ, với tổng vốn đầu tư 6,3 tỉ USD. Tuy chỉ chiếm khoảng 15% tổng số doanh nghiệp gỗ nhưng nhóm FDI đã đóng góp tới 48% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ.  

Ai đang dẫn đầu?

Dẫn đầu danh sách các công ty xuất khẩu gỗ nội thất lớn nhất Việt Nam là Wanek Furniture (còn gọi là Gỗ Hoa Nét), với gần 18.300 tỉ đồng doanh thu và hơn 1.600 tỉ đồng lãi ròng năm 2019, bỏ xa các đối thủ. Theo website của công ty này, Wanek Furniture là doanh nghiệp Mỹ, thành lập tại Việt Nam năm 2008. Sau đó Công ty mở rộng lên 4 nhà máy Wanek ở Bình Dương và 2 trung tâm kho vận DC, với quy mô nhân sự gần 10.000 người. Các sản phẩm chủ yếu của Wanek là nội thất, phụ kiện nội thất  và đã được xuất sang 123 quốc gia.

 

Tên tuổi lớn thứ 2 là Gỗ An Cường với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 500 tỉ đồng mỗi năm. Năm 2020, Công ty có 4.300 nhân viên với 22 showroom trên toàn quốc và đặt nhà máy sản xuất tại Bình Dương. An Cường hiện nắm giữ khoảng 55% thị phần nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam, trong phân khúc trung cao cấp. An Cường đã lên sàn UPCoM năm 2021.

Một gương mặt Việt nổi bật khác trong ngành xuất khẩu gỗ nội thất là Phú Tài, một công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực mà gỗ là một trong những mảng quan trọng. Năm 2020, Phú Tài đạt doanh thu thuần 5.601 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ gỗ đạt gần 2.989 tỉ đồng, tăng 42,95% so với cùng kỳ nhờ tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, so về doanh thu, Phú Tài xếp sau Nitori Furniture (Nhật). Từ năm 2019, Nitori Furniture đã ghi nhận doanh thu gần 4.100 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 616 tỉ đồng.

Các tên tuổi nội địa khác còn có AA Corporation, Minh Dương, Xuân Hòa, Gỗ Thuận An, Gỗ Đức Thành, Gỗ Trường Thành, Hoàng Mộc, Song Thắng, Nội Thất 190, Hoàng Anh Gia Lai... Tuy ghi nhận kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng mức độ xuất khẩu của các doanh nghiệp này vẫn chưa thể bằng một số doanh nghiệp FDI. 

Sức hút tỉ USD

Dù trong dịch bệnh, tình hình kinh doanh của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vẫn khả quan. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2021, hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào thị trường Anh đều tăng mạnh. Còn ở Mỹ, theo Tổng cục Hải quan, mức tăng là hơn 22% và chiếm 8,7 tỉ USD; con số này tại châu Á là 4,4 tỉ USD, tăng 16%.

 

Tốc độ tăng trưởng mạnh là nhờ Việt Nam sớm kiểm soát được dịch COVID-19, tạo môi trường sản xuất an toàn trong khi nhiều quốc gia phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa nhà máy.Các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam còn có khả năng nhận diện thị trường tốt và tận dụng cơ hội khá hiệu quả. Chẳng hạn, họ đã đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới, chủ động marketing, tăng cường tìm kiếm, giao thương trực tuyến để mở rộng xuất khẩu, bên cạnh thực hiện những thay đổi lớn về mẫu mã và phong cách bán hàng để bắt kịp các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, gỗ Việt xuất sang những thị trường nói trên chiếm tỉ trọng thấp so với tổng giá trị nhập khẩu gỗ của các nước nên dư địa còn rộng lớn. Đây là những động lực để ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam năm 2022 kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hơn 20%.

Tuy nhiên, giá cước vận chuyển tăng đột biến và giá gỗ nguyên liệu tăng cao có thể gây bất lợi cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Trả lời báo giới, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An, cho biết, giá cước vận tải tăng đã là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Việc thiếu container rỗng cũng khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bị động.

Tuy ghi nhận kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng mức độ xuất khẩu của các doanh nghiệp này vẫn chưa thể bằng một số doanh nghiệp FDI. Ảnh: Qúy Hòa.
Tuy ghi nhận kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng mức độ xuất khẩu của các doanh nghiệp này vẫn chưa thể bằng một số doanh nghiệp FDI. Ảnh: Qúy Hòa.

Trước tình hình này, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam (dự kiến ban hành trong năm 2022). Trước mắt, các doanh nghiệp mong đợi cơ quan chức năng có những biện pháp tạo kênh liên kết, kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước với nhau nhằm ổn định giá cước vận chuyển. 

Để giảm chi phí vận chuyển, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đề xuất,  thay vì đóng hàng hóa cồng kềnh, tốn diện tích container, làm tăng cước phí vận chuyển..., các công ty có thể đóng rời từng bộ phận.

Riêng về khó khăn trong nguồn cung nguyên liệu gỗ, doanh nghiệp cần tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng gỗ để tiết kiệm nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng có thể thử nghiệm, kết hợp với các nguyên liệu khác để đảm bảo giá thành tốt nhất thay vì chỉ tập trung sử dụng Dương vàng, Sồi trắng, Óc chó