Ngành gỗ đề ra chiến lược mở rộng kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD đến 2025.

 
Minh Lâm Thứ Bảy | 16/05/2020 11:02

Xuất khẩu gỗ "khó đơn, khó kép"

Ngoài các đơn hàng bị huỷ hàng loạt, các doanh nghiệp gỗ trong nước còn chịu thêm sức ép từ hàng hoá "có nguồn gốc" từ Trung Quốc.

80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng khá do hầu hết các đơn hàng cho quý I, quý II được ký kết với các đối tác từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 4, dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại những thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như: Mỹ, Nhật, EU, Úc, Canada…, nên các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.

Theo kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội, Tổng cục Lâm nghiệp tại hơn 200 doanh nghiệp, 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng. Có hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở EU, Mỹ, Hàn Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như bị tắc do phía đối tác gặp khó khăn... 

Trước tình hình này, hầu hết doanh nghiệp trong ngành gỗ thu hẹp quy mô sản xuất, cụ thể, 86% doanh nghiệp bị ngừng sản xuất 1 phần và khoảng 7% đã ngừng hoạt động toàn bộ do thiếu đơn hàng hoặc thiếu nguyên vật liệu và vốn đầu tư sản xuất. Theo khảo sát, khoảng hơn 200.000 lao động ngành gỗ phải bố trí việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết giá trị xuất khẩu gỗ trong tháng 4 đạt 734,2 triệu USD giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lũy kế trong 4 tháng đầu năm vẫn 3,5 tỉ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 5, các doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng trở lại.

Hàng Trung Quốc “rửa xuất xứ”

Đáng chú ý, nhóm sản phẩm xuất khẩu cốt lõi (hàng nội thất dùng trong gia đình) xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ tăng mạnh. Hằng năm, Mỹ nhập khẩu gần 10 tỉ USD đồ gia dụng, nội thất từ Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng từ chính sách thuế, phía Mỹ chuyển dịch tìm nguồn hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết: "Nhóm xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam rất ít có cơ hội". 

Không chỉ vậy, xu hướng này làm tăng thêm rủi ro về gian lận thương mại có thể xảy ra trong một số doanh nghiệp FDI của Trung Quốc. Trước đó, Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng (nguyên đơn) đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.

Sản phẩm gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng từ 63 triệu USD năm 2017, tăng lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ước tính, khoảng một nửa doanh nghiệp trong nước làm gỗ dán, phần còn lại là FDI.

Sự dịch chuyển sản xuất nói chung và sản xuất trong ngành gỗ nói riêng đang có dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo “Báo cáo đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam 2019: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends thực hiện, tính đến hết 2019 tổng số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong ngành gỗ là 966, với tổng vốn đăng ký gần 6,3 tỉ USD.

Dẫn đầu trong danh sách này là các doanh nghiệp Đài Loan (220 dự án, 1 tỉ USD vốn đăng ký), Hongkong (58 dự án, gần 952 triệu USD vốn đăng ký), Trung Quốc (217 dự án, 651,4 triệu USD). Đáng chú ý, trong các quốc gia đầu tư, quy mô vốn của mỗi dự án FDI từ Trung Quốc nhỏ nhất (3 triệu USD/dự án).

Ngành gỗ đề ra chiến lược mở rộng kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD đến 2025. Hiện các doanh nghiệp FDI đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu, vì vậy khuyến khích nỗ lực của các doanh nghiệp FDI nhằm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đặt ra là điều bắt buộc. Tuy nhiên, xuất gỗ Việt Nam nên muốn bền vững, cần có biện pháp để giảm thiểu rủi ro từ các nhà sản xuất sử dụng công nghệ gần như hết khấu hao, bên cạnh các rủi ro “núp bóng”, “rửa xuất xứ” để trốn thuế xuất khẩu.

Trước vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng: “Chúng ta khuyến khích mời gọi các nhà đầu tư FDI, nhưng đề nghị Chính phủ và các tỉnh phải có chính sách để kiểm soát, tránh chuyển dịch nhà máy với công nghệ cũ, mức đầu tư quá nhỏ vào Việt Nam”.