Chủ Nhật | 04/01/2015 20:01

Xuất khẩu gỗ hướng đến 7 tỷ USD

Các thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam đều có mức tăng trưởng tốt như Mỹ 14,17%, Nhật Bản tăng 19,47%, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 9,37%.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, năm 2014, ngành gỗ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD, nếu kể cả lâm sản ngoài gỗ (mây, tre trúc) thì toàn ngành thu về 6,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013.

Các thị trường xuất khẩu chính đều có mức tăng trưởng tốt như Hoa Kỳ 14,17%, Nhật Bản tăng 19,47%, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 9,37%.

Tuy nhiên, việc giảm của thị trường Trung Quốc không đáng ngại mà ngược lại còn là thông tin tốt bởi xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc chủ yếu là xuất thô. Hiện nay Nhà nước có chủ trương hạn chế xuất khẩu thô nên các doanh nghiệp trong ngành đang phải tìm sản phẩm mới để xuất khẩu.

Với quy mô thị trường đồ gỗ thế giới đang ở mức 300 tỷ USD/năm, ông Quyền cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Khi Việt Nam chuẩn bị ký kết hàng loạt những hiệp định thương mại tự do trong năm 2015 với các đối tác như EU, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương thì xuất khẩu gỗ của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh về kim ngạch.

“Năm 2015, xuất khẩu gỗ sẽ càng tăng mạnh và sẽ cán đích 7 tỷ USD”, ông Quyền cho hay.

Riêng về thị trường, Nga được đánh giá là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gỗ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) chính thức được ký kết. Thêm vào đó, từ năm 2013, Bộ Công Thương và Chính phủ khuyến khích đưa 3 ngành hàng là gỗ, thủy sản và may mặc vào thị trường Nga.

Tuy nhiên, chính sách của Nga đối với ngành hàng gỗ còn nhiều vướng mắc. Ví dụ, gỗ nguyên liệu tại Nga chủ yếu là nguồn gỗ từ Trung Đông, Siberia nhưng vùng này rất khó khăn về giao thông, thời tiết và lao động.

“Vùng này của Nga rộng mênh mông nhưng lao động chưa đến 1 triệu người. Do vậy, muốn xuất khẩu đồ gỗ vào Nga, Nhà nước phải “thỏa thuận” với thị trường Nga để giảm bớt khó khăn về nguyên liệu, lao động, thủ tục hải quan và thuế…”, ông Quyền nói.

Nguồn Hải quan