Sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường châu Âu dần hồi phục trở lại. Ảnh: TL

 
Mai Châu Chủ Nhật | 13/06/2021 18:04

Xuất khẩu giày dép sang châu Âu tăng mạnh nhờ cú hích EVFTA

Dịch COVID-19 vẫntiếp tục tại thời điểm hiện nay và các doanh nghiệp da giày đã tìm ra hướng đi phù hợp sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Tận dụng tốt EVFTA

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường châu Âu dần hồi phục trở lại, đặc biệt là trong quý I/2021. Kể từ tháng 8.2020 đến tháng 3.2021, đã có 6 tháng xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang EU tăng (trừ tháng 2.2021, xuất khẩu sang châu Âu giảm do nghỉ Tết Nguyên đán).

Trong quý I/2021, ngành da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, xuất khẩu giày dép sang châu Âu tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tại cùng thời điểm quý I/2020 chỉ tăng 0,1% và quý I/2019 tăng 11,9%. Đặc biệt, xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng mạnh ở mức hai con số: Bỉ tăng 37,0%, Hà Lan tăng 23,4%; Italia tăng 14,3%, Tây Ban Nha tăng 39,2%, Cộng hòa Séc tăng 36,5%, Thụy Điển tăng 30,8%... 

Ảnh:
Trong quý I/2021, ngành da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: TL.

Về cơ cấu mặt hàng, giày thể thao của Việt Nam đã tận dụng rất tốt ưu đãi này, khi kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu tăng mạnh và là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này. Theo thống kê, xuất khẩu chủng loại giày thể thao: giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, mũ giày bằng vật liệu dệt... sang châu Âu trong quý I/2021 đạt 370,48 triệu USD (chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép sang châu Âu), tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định dù dịch COVID-19 vẫn còn, thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra hướng đi phù hợp, thị trường giày dép thế giới dần sôi động trở lại.

Theo quy tắc xuất xứ

Quy tắc xuất xứ theo cam kết trong EVFTA, sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ ngoại khối, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành giày dép do trước đó giày dép đã xuất khẩu sang châu Âu với tiêu chí tương tự trong GSP. Đây là thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp giày dép Việt Nam.

Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ngoài ra, ngành giày dép Việt Nam cũng có lợi thế khi hiện nay phần lớn các nước xuất khẩu giày dép vào châu Âu hiện nay đều chưa có FTA với châu Âu.

Đặc biệt, khi so với mặt hàng dệt may, cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường châu Âu, tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng da giày trong EVFTA tương đối linh hoạt.

Ảnh:
Tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng da giày trong EVFTA tương đối linh hoạt. Ảnh: TL.

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, từ ngày 1.8.2020 đến ngày 31.12.2020, kim ngạch hàng da giày của Việt Nam (bao gồm giày dép và các mặt hàng túi xách, ví, vali...) xuất khẩu sang châu Âu được các cơ quan, tổ chức được cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA là 1,37 tỉ USD. Con số này đã đạt 1,17 tỉ USD trong quý I/2021.

Riêng trong quý I/2021, tỷ lệ mặt hàng giày dép xuất khẩu sang thị trường châu Âu có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA là 98,98%. Bỉ và Đức là hai thị trường có kim ngạch cấp C/O mẫu EUR.1 lớn nhất, lần lượt đạt 380 triệu USD và 207,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32,4% và 17,7% trong tổng trị giá C/O cấp cho hàng da giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O cao bao gồm: túi xách có mặt ngoài bằng plastic hoặc vật liệu dệt, giày thể thao, giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastics hoặc da và giày dép có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastics.

►Công ty logistics hàng không SCSC tăng trưởng 25%, chia cổ tức 2020 tỷ lệ 80%