Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thiếu nguyên phụ liệu đầu vào. Ảnh: TL.
Xuất khẩu gặp khó với nguyên phụ liệu
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc phong tỏa trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cùng với đó chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên doanh nghiệp khó đáp ứng kịp thời các đơn hàng.
Vấn đề này xảy ra trong thời điểm ngành da giày của Việt Nam đang nhập khẩu đến 70% nguyên phụ liệu của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ngành dệt may cũng gặp phải tình trạng này. Theo Tổng công ty May Đáp Cầu chuyên làm hàng may gia công cho các thị trường lớn và nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã nhận đơn hàng đến tháng 9/2022, nhưng doanh nghiệp này phải hoãn giao hàng nhiều đơn hàng xuất phát từ việc thiếu nguyên phụ liệu.
Trước tình hình thiếu nguyên phụ liệu, nhiều doanh nghiệp cho rằng nên đi tìm nguồn cung cấp mới thay thế thị trường Trung Quốc, nhưng giải pháp này khó thực hiện tại thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu, chuyện tìm nguồn thay thế là khó vì hiện tại Trung Quốc là công xưởng của thế giới, cung ứng nhiều nguyên phụ liệu với giá thành phù hợp. Ngoài ra, phần lớn nguồn nguyên liệu mà May Đáp Cầu nhập khẩu đều do đối tác chỉ định trước”. Ông Thăng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới, mở rộng nguồn mua nguyên phụ liệu.
Trong chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), mặc dù ngành gỗ đang trên đà thuận lợi về đơn hàng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đang phải đau đầu vì nhiều chi phí phát sinh kể từ thời điểm cả nước gỡ bỏ phong tỏa cho đến nay. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cao, dù 70% nguyên liệu của ngành gỗ nội thất Việt Nam là nội địa. "Phần nguồn cung còn lại vẫn phải nhập từ châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ nên áp lực nguyên liệu đầu vào lớn".
Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp. Ảnh: TL. |
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Điều này vừa giúp tăng nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp lại vừa có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.
“Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, trình độ cải tiến, quản lý và quan trọng nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết.