Giá gạo tiếp tục phá đỉnh cao nhất 15 năm qua. Ảnh: Công Thương.

 
Minh Anh Thứ Ba | 21/11/2023 11:05

Xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục 4 tỉ USD

Sau 34 năm Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỉ USD.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 653 USD/tấn, giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn. Tuy giảm nhẹ, nhưng hiện giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao và bỏ xa gạo Thái Lan tới 91 USD/tấn. Nhìn về mặt giá gạo Việt Nam đang xác lập một mặt bằng giá mới.

Giá gạo tiếp tục phá đỉnh cao nhất 15 năm qua. Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỉ USD chỉ trong 10 tháng qua.

Nhìn nhận lại toàn diện, ngành gạo của Việt Nam vốn đi từ việc xuất khẩu chú trọng sản lượng, nay gạo Việt Nam đã có giá cao nhất thế giới, chất lượng cũng ngày càng chinh phục được các thị trường khó tính. Theo các chuyên gia của ngành, gạo Việt Nam đang dần thiết lập được chỗ đứng mới trên thị trường thế giới.

Dự báo xu thế giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp khẳng định gạo Việt Nam đã xác lập được vùng giá mới và ngắn hạn vẫn duy trì mức cao. Với những gì đã đạt được như hiện tại, gạo Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường gạo thế giới.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn đánh giá: "Các nước mà đang đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Singapore cũng đều là những nước mà luôn luôn trông đợi sự ổn định của họ về mặt an ninh lương thực, một phần quan trọng ở các nước xuất khẩu như Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể thấy trong một khía cạnh nào đó việc Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới chính là đảm bảo cho vị thế của mình chính là củng cố cho vai trò của đất nước mình trên trường quốc tế".​

Thiết lập một vị thế mới cho ngành gạo Việt?

Chia sẻ với báo chí về vấn đề giá gạo, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Chúng ta đã bán được giá gạo cao hơn các quốc gia. Đã đến lúc chuyển quyền thương lượng, quyền thương lượng nó nằm ở người sản xuất, người bán.

Đây là một bước rất lớn, một thay đổi cực kỳ quan trọng vì nếu thay đổi một chút trong tổ chức lại sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị một cách chủ động theo kế hoạch thì hoàn toàn sẽ chấm dứt được cảnh được mùa mất giá". 

Với sản lượng lúa ổn định khoảng 43 triệu tấn/năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn đóng góp chung an ninh lương thực thế giới.

Tuy nhiên, một thực tế khác cho thấy đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá lúa, gạo tăng cao dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1-3 tháng. Giá tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá phải hủy hợp đồng. Số khác để giữ chữ tín bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng. 

Ảnh: Đài phát thanh truyền hình Lạng Sơn.
Từ nay đến cuối tháng 2/2024 nguồn cung gạo trên thị trường sẽ hạn chế và theo các chuyên gia giá gạo xuất khẩu sẽ khó giảm sâu. Ảnh: TL.

Liên quan đến vấn đề hợp đồng xuất khẩu gạo, ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Đối với hợp đồng xuất khẩu, tôi nghĩ với những hợp đồng mới nên thận trọng, không phải ký kết rồi hồ hởi trong giai đoạn này. Nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao thì chúng ta sẽ vướng phải tình trạng ký trước, tức bán trước sau đó mới quay vào trong nội địa để mua sẽ không loại trừ khả năng chúng ta ký trước thì giá nó thấp và sau đó quay vào nội địa để mua không mua nổi vì giá nội địa cũng tăng rất cao".

Hiện nay, tại đồng bằng sông Cửu Long, bà con đã xuống giống vụ Đông Xuân, vụ chính của năm, dự kiến đến tháng 2/2024 sẽ cho thu hoạch. Từ nay đến cuối tháng 2/2024 nguồn cung gạo trên thị trường sẽ hạn chế và theo các chuyên gia giá gạo xuất khẩu sẽ khó giảm sâu. Điều này tạo lợi thế cho ngành gạo Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm:

Năm 2024, “bức tranh” dệt may vẫn sáng tối đan xen