Xuất khẩu gạo Việt Nam hiện đang đứng số 1 thế giới
Theo báo cáo của VFA, trong tháng 10, các doanh nghiệp đã xuất thêm được 646.196 tấn gạo với giá bình quân 445,3 USD/tấn, tăng 5,23 USD/tấn so với tháng trước. Trong tháng 10, nhờ ký được hợp đồng xuất khẩu với Indonesia 300.000 tấn, giá lúa gạo trong nước tăng lên. Giá lúa hạt dài tại các tỉnh ĐBSCL hiện nay lên 6.185 đồng/kg, lúa thường 6.025 đồng/kg.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất được 6,484 triệu tấn gạo, trị giá 2,877 tỷ USD. Theo kế hoạch, 2 tháng cuối năm sẽ xuất tiếp khoảng 1,05 triệu tấn. Như vậy, dự kiến cả năm sẽ đạt 7,5 triệu tấn, thậm chí 7,7 triệu tấn nếu giá tốt và thuận lợi về thị trường.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, các tỉnh đã xuống giống hoàn tất vụ thu đông với 730.000 ha, tăng 130.000 ha so với kế hoạch, hiện đã thu hoạch được 50% với sản lượng 3,7 triệu tấn lúa, tăng 500.000 tấn so với dự báo.
Còn vụ mùa cũng đã xuống giống 200.000 ha, sản lượng có thể đạt 860.000 tấn lúa, trong đó có khoảng 100.000 tấn thu hoạch trong tháng 12 tới. Còn theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng gạo hàng hóa cả năm từ 7,5 - 7,7 triệu tấn. Nếu tính cả lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp trong năm 2011 chuyển sang năm 2012 thì lượng gạo hàng hóa từ 8,6 - 8,8 triệu tấn. Do đó, việc xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo là có cơ sở.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết tính đến ngày 30/9, Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Tiếp theo là Ấn Độ, xuất được 5,8 triệu tấn và Thái Lan 5,3 triệu tấn. Đến cuối tháng 10, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Theo ông Trương Thanh Phong, từ nay đến cuối năm cũng như cả quý I/2013, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh giá với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Đặc biệt, Thái Lan đang tồn kho rất lớn, họ phải thuê kho để trữ. Tuy nhiên, theo ông Phong, các nước sản xuất ngũ cốc lớn như Mỹ giảm 50% sản lượng, Úc giảm 30%, Ukraine giảm 50%... Do đó, các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, sẽ có lợi thế...
Nguồn Người lao động