Thứ Tư | 25/03/2015 08:07

Xuất khẩu gạo Việt Nam 1/1-19/3 giảm 56%

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ 1/1-19/3 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 536.571 tấn, giảm 56% so với 1,22 triệu tấn 3 tháng đầu năm 2014.

Về giá trị, xuất khẩu gạo cùng kỳ đạt 236,188 triệu USD (FOB), giảm 55,4% so với 529,777 triệu USD cả tháng 3/2014.

Giá xuất khẩu trung bình tính đến thời điểm hiện tại đạt 440 USD/tấn (FOB), tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ 1/3 đến 19/3/2015 xuất khẩu gạo đạt 115.369 tấn, giảm 80% so với 583.294 tấn trong tháng 3/2014 và giảm 43% so với 200.814 tấn tháng 2/2015.

Trong một nỗ lực đưa gạo Việt Nam thành thương hiệu hàng đầu thế giới, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, theo Dân Việt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, sản phẩm gạo Việt Nam hiện không đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân loại theo tỷ lệ tấm như 5%, 10%, 15% và 25%. Khả năng tiếp cận và cạnh tranh với sản phẩm gạo Thái Lan tại các thị trường yêu cầu chất lượng cao, đặc biệt là gạo thơm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ… còn rất hạn chế.

Tuy Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo với 6-7 triệu tấn gạo, song thực tế những thương hiệu mang tên gạo Việt lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay và cũng chưa có đủ độ “phủ” trên phạm vi toàn cầu.
 
Theo Bộ NNPTNT, trong ngắn hạn, sẽ tập trung ưu tiên xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên các giống lúa có lợi thế tại vùng ĐBSCL. Mục tiêu là đến năm 2020, thương hiệu gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; đảm bảo đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.   

Liên quan đến chương trình thu mua gạo tạm trữ, tờ Tuổi trẻ đưa tin, tính đến ngày 19/3 số gạo mà các doanh nghiệp mua tạm trữ đã đạt xấp xỉ 600.000 tấn, gần 60% chỉ tiêu tạm trữ.

Trong số 128 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ, đã có hai đơn vị không thể thực hiện và trả lại chỉ tiêu tạm trữ. Có 10 đơn vị được phân bổ lượng mua 37.000 tấn gạo nhưng chưa được ngân hàng giải ngân.

Nguồn DVO/Gafin