Thứ Hai | 02/09/2013 08:11

Xuất khẩu gạo trước nguy cơ lỗ nặng do Thái Lan giải phóng tồn kho

Thái Lan đang tìm mọi cách giải phóng lượng gạo tồn kho khổng lồ, thậm chí có thể “phạm luật” để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết hôm 29/8 Thái Lan đã xả hàng tồn kho gạo loại 100B bán ra với giá 420 USD/tấn. Thị trường đang ngưng và trong tâm lý chờ thì hôm 30/8, Thái Lan lại bán ra gạo tồn kho với giá quá thấp 380 USD/tấn. Điều này sẽ gây ra sự cạnh tranh mạnh trên thị trường xuất khẩu gạo, ảnh hưởng không nhỏ đến các nước xuất khẩu, nhất là Việt Nam.
Vượt tầm kiểm soát?

Khi mới bắt đầu, ưu tiên hàng đầu trong chính sách mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ Thái Lan là tăng thu nhập và nâng cao mức sống của nông dân, trong khi vẫn duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới.

Thế nhưng sau một thời gian thực hiện, nhận thấy vị thế bị lung lay, Thái Lan hô hào các quốc gia ASEAN thành lập Liên minh Lúa gạo. Khi giá gạo xuất khẩu xuống thấp xa mong đợi, nước này bảo nông dân giảm diện tích lúa để ép giá gạo thế giới tăng. Rồi khi bị thua lỗ đến hơn 4 tỉ USD chỉ trong một niên vụ, giải pháp “chẳng đặng đừng” được đưa ra là giảm mạnh giá mua lúa của nông dân. Điều này đã dẫn đến sự ra đi của bộ trưởng Bộ Thương mại.

Và gánh nặng chuyển sang vai vị bộ trưởng Thương mại đương nhiệm.

Bởi theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tính đến ngày 24/7, tổng khối lượng lúa Thái Lan mua vào đã đạt tới 41,8 triệu tấn, tương ứng 27,6 triệu tấn gạo. Trong khi theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), tổng khối lượng gạo xuất khẩu tính đến giữa năm mới đạt trên 12 triệu tấn, tức khối lượng gạo tồn kho đã là 15,6 triệu tấn (chưa kể 1-2 triệu tấn nhiệm kỳ trước để lại). Hầu hết lượng gạo dự trữ đó lại là gạo trắng (khoảng 14,4 triệu tấn) đang ngày càng mất giá, tức là khoản thua lỗ chắc chắn sẽ tăng thêm không ít. TREA tính toán với giá mua lúa gạo trắng của Chính phủ thì giá xuất khẩu phải 800 USD/tấn, nhưng hồi cuối tuần qua giá chào xuất khẩu đang rơi tự do còn 435 USD/tấn.

Từ những điều trên cho thấy nếu chỉ đạt tiến độ như nửa đầu năm nay thì phải mất bốn năm nữa, Thái Lan mới xuất khẩu hết khối lượng gạo trắng dự trữ của mình, với điều kiện nông dân của họ phải ngừng sản xuất. Mà điều kiện này là không thể.

Tránh “bi kịch” như Thái Lan

Xét trên lý thuyết, “trò mèo vờn chuột” này có thể vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới, cho nên cả cộng đồng các quốc gia xuất khẩu gạo châu Á đều bị thiệt, trừ phi có một quốc gia nào đó đứng ra làm nguyên đơn kiện Thái Lan vi phạm luật chơi lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Để giảm khối lượng tồn kho gạo quá lớn, dành chỗ cho gạo vụ mới và cũng là để giảm bớt khoản nợ ngân hàng đang lên mức khổng lồ, Bộ Thương mại Thái Lan không còn cách nào khác ngoài việc liên tiếp kéo giá gạo xuất khẩu của mình “rơi tự do” và chấp nhận lỗ “khủng”. Việc này tất nhiên khiến các đối thủ cạnh tranh phải kéo giá gạo của mình xuống. Bằng chứng là giá gạo Việt Nam suốt năm qua đã rớt thảm hại đến mức thấp nhất thế giới, giá trị giảm sút.

Theo tính toán sơ bộ, các doanh nghiệp tạm trữ lúc gạo Việt Nam đang lỗ khoảng 30 USD/tấn gạo, lượng tạm trữ tồn trong kho doanh nghiệp khoảng 700.000-800.000 tấn (trị giá 24 triệu USD). Tại thị trường nội địa, giá lúa có chiều hướng giảm như lúa OM 6976 chỉ còn 4.500-4.600 đồng/kg, giảm 400-500 đồng/kg so với mức giá giữa tháng 8-2013.

Trước tình hình này, ông Trương Thanh Phong cho biết VFA đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu hai nội dung quan trọng. Một là, thay vì các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu phải trả nợ vào ngày 15/9, nay đề nghị cho kéo dài thêm một tháng lãi suất đến 15/10, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bán tháo gạo khi đến hạn. Hai là đề nghị Chính phủ cho mua triển khai tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo quy lúa vụ hè thu và thu đông để giữ giá lúa ở thị trường nội địa. Thời gian thực hiện từ 15/9 đến 15/10. VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ của 300.000 tấn gạo này với thời gian hai tháng (15/9 đến 15/11), mục đích là ổn định thị trường gạo trong nước và doanh nghiệp có thêm thời gian vượt qua khó khăn.

Về lâu dài, VFA đề nghị các doanh nghiệp phải tích cực khai thác thị trường nhiều hơn. Hiện nay, Chính phủ tập trung khai thác các thị trường có tiềm năng nhập khẩu gạo lớn, đặc biệt là châu Phi; trong đó cần nhanh chóng đàm phán với các nước Angola, Kenya. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần bám sát các thị trường truyền thống.

Nguồn Pháp luật tp.HCM


Sự kiện