Xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động mang tính tạm thời, xuất khẩu gạo đường tiểu ngạch được cảnh báo không ít rủi ro tiềm ẩn.
Năm 2013-2014, Trung Quốc liên tiếp trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Năm 2013, nước này chiếm lượng lớn nhập khẩu qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch với sản lượng 2,1 triệu tấn gạo, tương đương với 1 tỷ USD. 5 tháng đầu năm nay, 50% đơn hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam là từ Trung Quốc, với con số 600.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu gạo từ thị trường hơn 1 tỷ dân này đã tác động tức thời đến thị trường lúa gạo trong nước, thúc đẩy việc tiêu thụ cũng như đẩy giá lúa chuyển biến theo chiều hướng tăng.
Không phủ nhận, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên với phần lớn hợp đồng nhập khẩu sang thị trường này qua đường tiểu ngạch, dù có tác dụng nhất định trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước song vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro.
Con số mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra mới đây đã cảnh báo thực tế, 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị hủy, nước này cũng đứng đầu danh sách trong việc mua giá rẻ và ép giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Nông Nghiệp trường Đại học Cần Thơ, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch không cần thủ tục, hợp đồng gì nên khi xảy ra sự cố, phần thiệt luôn thuộc về các doanh nghiệp trong nước. Không ít trường hợp hàng đã chuyển đến biên giới, nhưng đối tác Trung Quốc “giở quẻ”, thông báo tạm ngừng giao dịch hoặc viện cớ một chặng đường dài, gạo xuống cấp để buộc dn giảm giá. Đó là chưa kể những rủi ro trong thanh toán, gây ra những phí tổn không nhỏ cho dn.
Một sản lượng lớn tập trung vào một đầu mối, nếu đầu mối đó gặp trục trặc, rõ ràng các doanh nghiệp đã tự đưa mình vào tình thế khó khăn.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Trung Quốc tăng mua gạo chất lượng thấp của Việt Nam theo đường tiểu ngạch là do truyền thống tích trữ và bởi giá lúa gạo của Việt Nam bán cho Trung Quốc đang quá rẻ. Dù được xem là một trong những giải pháp tốt cho tiêu thụ gạo trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhưng xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn cần sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, việc chủ động tìm kiếm, mở rộng thêm những thị trường mới, nâng cao chất lượng hạt gạo, tiến tới xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam chính là giải pháp giúp cho gạo Việt Nam tránh gặp bế tắc khi gặp trục trặc ở thị trường Trung Quốc.
Có thể nói, trên thị trường gạo hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lẫn nhau khi một bên có nhu cầu bán và một bên có nhu cầu mua với số lượng lớn. Theo nhận định của các chuyên gia, trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất.
Dưới sự kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, thời gian qua, đã có 1 số địa phương tại ĐBSCL cử các đoàn thăm quan các kênh phân phối, gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp nhập khẩu gạo hàng đầu Trung Quốc, qua đó giới thiệu tiềm năng sản xuất cũng như tìm hiểu nhu cầu nhập khẩu gạo của nước bạn để đi đến những hợp đồng cụ thể. Đây có thể được xem như một giải pháp để hạn chế những rủi ro khi xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc
Nguồn VOV