Thứ Bảy | 26/07/2014 16:56

Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng bất chấp giá tăng

Kết quả giao hàng từ ngày 1-22/7/2014 đạt 344.543 tấn, trị giá FOB 149,714 triệu USD và trị giá CIF đạt 158,795 triệu USD.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 22 ngày đầu tháng 7 đạt gần 344.543 tấn, đưa khối lượng xuất khẩu từ đầu năm lên 3,345 triệu tấn.

Lũy kế xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 22/7 đạt 3,345 triệu tấn, trị giá FOB 1,445 tỷ USD và trị giá CIF 1,525 tỷ USD.

Gafin

Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với khối lượng đạt 267.151 tấn, chiếm 77,54% tổng khối lượng xuất khẩu, tiếp đến là châu Mỹ với 43.247 tấn, chiếm 12,55%, châu Phi xếp thứ 3 với 22.695 tấn, chiếm 6,59%.

Gafin

Về chủng loại gạo xuất khẩu, dẫn đầu là gạo 15-20% tấm với 151.621 tấn, chiếm 44,01% tổng khối lượng gạo xuất khẩu, tiếp đến gạo 3-10% tấm với 82.125 tấn, chiếm 23,84% và gạo thơm các loại với 63.544 tấn, chiếm 18,44%.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng và hiện cao hơn 10-25 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và Ấn Độ. Mặt khác, Thái Lan đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ tháng 8 tới đây. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam rõ ràng đang có lợi thế bất chấp 2 yếu tố trên.

Gafin

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua tăng 6% lên 445-460 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2012. Gạo 25% tấm cũng tăng khoảng 5% lên 400-420 USD/tấn (FOB), tăng khá mạnh so với 380-390 USD/tấn tuần trước đó.

Gafin

Các chuyên gia cho rằng, hiện các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan vẫn chưa khởi động lại hoạt động xuất khẩu sau khi chính phủ quân sự tạm ngừng bán gạo để tiến hành kiểm tra kho gạo toàn quốc và các nhà xuất khẩu Ấn Độ giảm bán ra do lo ngại về sản lượng thấp hơn vì El Nino.

Các chuyên gia cũng tin tưởng rằng Việt Nam đang ở vị trí canh tranh hơn trong 2 tháng tới. Nhu cầu nhập khẩu của Indonesia và Philippines tăng lên cũng đang mang lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo VFA, tính đến đầu tháng 7/2014, doanh nghiệp hội viên VFA đã ký được gần 5,3 triệu tấn gạo các loại, trong đó đã giao hàng 3,26 triệu tấn. Xuất khẩu tăng cũng đã đẩy giá gạo nội địa cũng như giá FOB tăng theo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trong năm nay, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cần phải ký hợp đồng xuất khẩu thêm 1 triệu tấn nữa.

Đầu tháng 5 vừa qua, do thị trường xuất khẩu gạo bị cạnh tranh dữ dội, VFA đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay xuống còn 6,2 triệu tấn (kế hoạch đầu năm 6,5 triệu tấn); trong đó dự kiến quý 2 sẽ đạt 1,8 triệu tấn, quý 3 là 1,8 triệu tấn và quý 4 khoảng 1,4 triệu tấn.

Mặc dù tình hình hiện tại thuận lợi hơn, nhưng VFA chưa có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu.

VFA cho rằng khoảng 2 triệu tấn gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có thể gây bất ổn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công thương đã đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan và lực lượng biên phòng giúp đỡ VFA trong việc giám sát và điều chỉnh xuất khẩu gạo tiểu ngạch.

Nguồn Theo DVO/Gafin


Sự kiện