Việc đầu tư bài bản cho quy trình sản xuất đồng bộ và chất lượng của các doanh nghiệp đã cho thấy kết quả tích cực về trị trường. Ảnh: Kundan

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 11/08/2022 10:46

Xuất khẩu gạo tăng cả lượng lẫn chất nhưng nhiều doanh nghiệp lớn vẫn không có lãi

Gạo mang thương hiệu Việt bước đầu xây dựng được tên tuổi ở các thị trường khó tính, nhưng cần quản lý chi phí tốt hơn mới đạt được lợi nhuận cao.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,08 triệu tấn, tương đương giá trị xấp xỉ 2 tỉ USD, tăng 17,3% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới.

Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực đầu tư sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp gạo Việt đã xuất khẩu thành công bằng chính thương hiệu của mình vào những thị trường khó tính nhất thế giới như châu Âu hay Nhật Bản. Chỉ 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu với kim ngạch xấp xỉ 37 triệu USD, tăng 84% về lượng và 96% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ Hiệp định EVFTA và nhu cầu đang tăng của thị trường, Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Âu được cho là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm nay.

Lô gạo ST 25 mang thương hiệu A An được Tập đoàn Tân Long xuất khẩu vào Nhậtlần đầu tiên một thương hiệu gạo nội địa được xuất khẩu thành công
Vừa qua, lần đầu tiên một thương hiệu gạo nội địa  của Việt Nam được xuất khẩu thành công sang Nhật. Ảnh: The New York Times

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đang lo lắng về chi phí logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến lợi nhuận bị ăn mòn đáng kể. Báo cáo tài chính quý II/2022 của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) cho thấy doanh thu tăng trưởng hơn 800% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.297 tỉ  đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận lỗ 28 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 3 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, AGM lỗ ròng 24 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lãi hơn 4 tỉ đồng.

Tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, doanh thu thuần hợp nhất quý II/2022 cũng tăng trưởng 30%, đạt 3.547 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại âm 46 tỉ đồng, dù cùng kỳ năm trước có lãi 47 tỉ đồng. Tương tự như AGM, chi phí hoạt động và chi phí tài chính đều tăng là nguyên nhân dẫn tới kết quả lỗ trong kỳ của Lộc Trời. Khoản lỗ trong quý II/2022 đã kéo giảm lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 của Lộc Trời xuống chỉ còn 137 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.