Hiện gạo Việt Nam loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm qua. Ảnh: Đức Thanh.

 
Tuệ Anh Thứ Sáu | 10/02/2023 18:08

Xuất khẩu gạo sôi động nhờ giá và nhu cầu tăng

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước, đạt mức giá cao nhất trong vài năm qua và có thể vượt đỉnh năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết đã nhận được hàng loạt đơn hàng lớn khi vừa kết thúc kì nghỉ Tết Âm lịch. “Thị trường gạo Việt Nam đang sôi động nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu cho năm 2023 khi nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu ở mức 35%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Ấn Độ và Pakistan hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc đầu cơ tích trữ lương thực do e ngại hạn hán, gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn.”, đại diện một doanh nghiệp trong ngành cho biết.

 

Đầu tháng 2/2023, thương hiệu "Gạo Quê tôi" ở vùng nước lợ của các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, Châu Thành xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và có nhiều khả năng xuất sang thị trường một số nước khác. Sản phẩm "Gạo Quê tôi" ngoài sản xuất theo hướng hữu cơ còn được chế biến trên hệ thống dây chuyền đóng gói tự động, tạo ra sản phẩm đồng nhất, chất lượng hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của những thị trường khó tính. 

Áp dụng mô hình chuyên nghiệp tương tự như trên, thời gian qua nhiều thương hiệu gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, EU… và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận lớn hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản là minh chứng rằng gạo Việt Nam đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau.

Giá lúa tươi thu mua tại ruộng hiện đạt mức 7.000đồng/kg. Ảnh: An Giang
Giá lúa tươi thu mua tại ruộng hiện đạt mức 7.000đồng/kg. Ảnh: An Giang

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn đã thành công trong việc xây dựng liên kết với nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được chuẩn mực, yêu cầu của thị trường. Ông Phạm Thái Bình,Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn, đây là giá xuất khẩu cao đối với gạo trong nhiều năm nay.

Cũng khá thành công trong năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào thị trường tiêu chuẩn cao châu Âu, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. 

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, thường cuối vụ giá gạo rất thấp nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta lại bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ Đông Xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn.

Hiện gạo Việt Nam loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm qua. Tuy nhiên, mức giá này hiện vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 20 USD và thấp hơn gạo Pakistan 10 USD/tấn.

Có thể bạn quan tâm: 

Xuất khẩu thủy sản giảm hơn 30% trong tháng đầu năm