Thứ Năm | 17/10/2013 09:00

Xuất khẩu gạo: Mất trắng thị trường truyền thống

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nếu Indonesia, Philippines không nhập khẩu lại trong tháng 10, sẽ khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn.
Từ trước đến nay, thị trường truyền thống gồm các nước Philippines, Indonesia, Malaysia luôn nhập khẩu ổn định một lượng gạo chiếm 2/3 lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam. Nhưng trong năm nay, Việt Nam dường như đã “đánh mất” thị trường này hoàn toàn. Trong tám tháng đầu năm 2013, lượng gạo xuất khẩu được ký hợp đồng tập trung vào thị trường truyền thống chỉ còn chiếm 13,6%.
Gạo “lậu” thành nguồn hàng chính

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết xuất khẩu gạo chín tháng năm 2013 của nước ta chỉ đạt 5,2 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines giảm hơn 63%, Malaysia giảm gần 35%. Riêng Indonesia không nhập hạt nào của Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Theo ông Bảy, nguyên nhân có thể do các nước này đã tự cung, tự cấp được phần nào nhờ đẩy mạnh sản xuất lương thực trong nước nên hạn chế nhập khẩu.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cũng cho rằng sự giảm sút của thị trường truyền thống do nguồn cung thế giới đang rất lớn. Thứ hai, những nước nhập khẩu gạo đang nhìn vào lượng gạo tồn kho của Thái Lan, chờ đợi nước này xả hàng bán giá thấp. Khi đó sẽ tác động kéo giá gạo xuất khẩu thế giới đi xuống, nếu nước nào bán gạo giá rẻ hơn thì họ sẽ mua chứ không nhập gạo Việt Nam. Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia, Việt Nam và cả Thái Lan đang tìm mọi cách hạ giá để ký được hợp đồng với Indonesia, Philippines, Malaysia.

“Thị trường truyền thống ngoài miệng nói đủ gạo không nhập nhưng thực chất các nước này đủ nguồn cung nhờ vào chính gạo lậu. Mới đây, hải quan Philippines đã bắt giữ một lượng gạo lậu nhập từ Việt Nam. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu sang mua gạo “lậu” theo hình thức nhập sang cảng Singapore, thay đổi hồ sơ rồi chuyển hàng về Philippines, Malaysia. Nhà nhập khẩu sẽ mua được gạo “lậu” với giá rẻ, thay vì phải mua gạo theo đường chính ngạch từ Việt Nam” - ông Tuấn chia sẻ.

Nguyên nhân mất dần thị trường truyền thống được GS Võ Tòng Xuân chỉ ra là do thay đổi phương thức nhập khẩu. Trước đây họ nhập theo các hợp đồng tập trung do hai chính phủ đàm phán, nay họ cho tư nhân đấu thầu. Chính sự đấu thầu này nhà nhập khẩu tự do lựa chọn nhà xuất khẩu có giá rẻ, có thể ký hợp đồng với nhiều nhà nhập khẩu hơn. Vì thế gạo Việt Nam gặp trở ngại khi xuất khẩu qua thị trường truyền thống trước sức cạnh tranh từ Ấn Độ, Pakistan với giá rẻ.
Rào cản “độc quyền”

Trước sự sụt giảm xuất khẩu như trên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều “ngoan ngoãn” nghe theo điều hành của VFA là chờ đợi. VFA sẽ tiếp tục đàm phán, theo dõi tín hiệu thị trường.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp lại cho rằng nguyên nhân là do sự độc quyền, chỉ ủy quyền cho một mình Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) ký hợp đồng xuất khẩu. Vì chỉ có một lựa chọn về giá nên nhà nhập khẩu nước ngoài cũng không không mặn mà. Sự thụ động trong cách điều hành của VFA đã làm mất thị trường truyền thống. Nếu để doanh nghiệp ký hợp đồng thương mại thì sẽ náo loạn thị trường, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán phá giá gạo. Nhưng nếu VFA linh động cho phép ba, bốn đầu mối doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cùng với Vinafood2 được tham gia ký hợp đồng thì nhà nhập khẩu ngoại sẽ chuyển động linh hoạt hơn.

Đồng ý với quan điểm này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng nên cho thêm những doanh nghiệp tư nhân có vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất tiêu thụ được phép tham gia vào những thị trường truyền thống. Chúng ta cũng cần mở rộng thị trường mới. Có lẽ nên chuyển thị trường sang các nước mới ở châu Phi, Trung Đông và Trung Quốc vì những nước này nhu cầu gạo rất lớn.

Nguồn Pháp luật tp.HCM


Sự kiện