Xuất khẩu gạo: Lợi ích khó tăng cao
Từ nhập đến xuất
Năm 1988 Việt Nam là nước nhập khẩu lớn lương thực (giai đoạn 1976-1988, tổng lượng lương thực nhập khẩu là 9,2 triệu tấn, trung bình mỗi năm nhập 700 nghìn tấn).
Với chính sách đổi mới trong nông nghiệp được thực hiện từ đầu thập kỷ 1980, sản xuất nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ. Và năm 1989 Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo và từ đó đến nay, xuất khẩu gạo của nước ta đã liên tục tăng mạnh. Việt Nam cùng với Thái Lan và Ấn Độ là 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Thái Lan tụt giảm, Việt Nam đã vươn lên vị trí cao. Năm 2011, Việt Nam xếp thứ 2 sau Thái Lan và vượt xa nước thứ 3 là Ấn Độ. Năm 2012 Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ (thậm chí có thời điểm trong năm Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1).
Như vậy từ một nước nhập khẩu lớn lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên xuất khẩu gạo của nước ta hiện chứa đựng rất nhiều điểm bất lợi.
Không có thương hiệu
Việt Nam đã xuất khẩu gạo 25 năm nay và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, song cho đến nay gạo Việt Nam chưa có một thương hiệu nào (trong khi Thái Lan có thương hiệu gạo nổi tiếng Jasmine, Ấn Độ có gạo Basmati). Khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là loại 25% tấm (loại phẩm cấp thấp). Loại gạo này có giá thấp và hiện Việt Nam đang mất dần thị trường do bị cạnh tranh bởi gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Loại gạo 5% tấm của Việt Nam cũng kém xa Thái Lan và Ấn Độ cả về chất lượng và giá cả. Nếu như năm 2008 giá gạo 5% tấm của Thái Lan bán ra cao hơn cùng loại của Việt Nam 68 USD/tấn thì năm 2009, mức chênh lệch giá lên tới 123 USD/ tấn. Còn tại thời điểm tháng 7-2013, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam là 400 USD/tấn FOB (trong khi đó, gạo cùng lọai của Thái Lan là 540 USD/tấn, Ấn Độ là 440 USD/tấn).
Giá trị thu được thấp
Nằm trong top đầu XK gạo, song giá gạo của Việt Nam luôn “lệ thuộc” và sự biến động thất thường của giá gạo trên thị trường thế giới. Giai đoạn 1989-1994, giá gạo xuất khẩu trung bình quanh 200 USD/tấn. Giai đoạn 1995-1999, giá xuất khẩu tăng lên khoảng 220-280 USD/tấn. Giai đoạn 2000-2003, giá gạo tụt xuống dưới 200 USD/tấn (năm 2001 chỉ còn 154 USD/tấn). Giai đoạn 2004-2008, giá gạo vượt ngưỡng 200 USD/tấn, liên tục tăng lên và đạt mức kỷ lục 569 USD/tấn năm 2008 (năm xảy ra khủng hoảng lương thực thế giới). Từ 2009 đến nay, giá gạo tụt xuống còn 407 USD/tấn năm 2009, năm 2010 lại tăng và đạt 514 USD/tấn năm 2011, song năm 2012 lại tụt xuống còn 470 USD/tấn.
Thực tế này đã khiến kim ngạch xuất khẩu bếp bênh. Năm 2001 Việt Nam xuất hơn 3,5 triệu tấn song kim ngạch chỉ tương đương năm 1995 xuất 2 triệu tấn; năm 2009 xuất hơn 6 triệu tấn song kim ngạch thấp hơn năm 2008 xuất 4,7 triệu tấn.
Không chỉ phải cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ, hiện Việt Nam còn phải cạnh tranh với Mỹ và Pakistan- cũng là các nước xuất khẩu gạo lớn. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, một đối thủ cạnh tranh khác về xuất khẩu gạo hiện đang nổi lên là Campuchia. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới khiến giá gạo khó tăng, lợi ích kinh tế từ xuất khẩu gạo khó tăng cao.
Một điểm bất lợi nữa đó đó là xuất nhiều song giá trị gia tăng của gạo xuất khẩu thấp. Để xuất khẩu gạo, Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, giống). Năm 2012 riêng nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu là 2,34 tỷ USD. Nếu tính cả nhập khẩu lúa giống và máy móc thiết bị nông nghiệp, con số còn lớn hơn nhiều. Trong khi giá đầu vào (xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí lao động) không ngừng tăng lên thì giá xuất khẩu gạo khó tăng do cạnh tranh gay gắt. Do vậy thặng dư thương mại của ngành lúa gạo hầu như không đáng kể.
Thu nhập của người trồng lúa thấp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thu nhập của người nông dân trồng lúa tại 2 vựa thóc lớn của đất nước (Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long) chỉ từ 415.000 - 600.000 đồng/tháng, khá thấp so với mức thu nhập chung cả nước. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (nơi chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước), tỷ lệ hộ nông dân nghèo chiếm tới 30%. Hiện ở một số địa phương đã có hiện tượng nông dân xin trả lại ruộng vì thu nhập từ trồng lúa quá thấp.
Mất vị trí quan trọng
Xếp hạng của gạo trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngày càng thấp. Từ vị trí là sản phẩm xuất khẩu số 1 năm 1989, gạo tụt xuống hàng thứ 10 năm 2012, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2012 tăng gấp 12 lần năm 1989. Sự tụt hạng của gạo do nền kinh tế Việt Nam đang chuyển từ chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang dựa vào công nghiệp và dịch vụ. Tương ứng, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng chuyển từ chủ yếu dựa vào gạo và các nông sản sang các sản phẩm công nghiệp.
Diện tích trồng lúa ngày càng giảm. Giai đoạn 2000-2010, diện tích trồng lúa của nước ta đã giảm gần 370.000 ha do các địa phương đua nhau lập các khu công nghiệp và khu đô thị. Dự tính giai đoạn 2011-2020 sẽ mất thêm khoảng 300.000 ha nữa do phải chuyển cho các nhu cầu sử dụng khác và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Như vậy tổng cộng giai đoạn 2000-2020, diện tích trồng lúa mất đi 670.000 ha (từ 4,5 triệu ha xuống còn 3,8 triệu ha) tức trung bình mỗi năm mất khoảng 32.000 ha, tương ứng sản lượng lúa giảm 320.000 tấn, trong khi nhu cầu trong nước tăng thêm 200.000 tấn/năm do tăng dân số. Dự báo nếu năng suất vẫn duy trì như hiện tại thì sản lượng lúa năm 2020 sẽ giảm khoảng 30% so với hiện nay (từ 45 triệu tấn xuống còn 30 triệu tấn). Đến lúc đó, đảm bảo an ninh lương thực sẽ trở thành vấn đề không đơn giản chứ chưa nói đến xuất khẩu.
3 giải pháp lớn
Để ngành sản xuất và xuất khẩu gạo phát triển bền vững và hiệu quả có 3 giải pháp lớn cần được thực hiện: Thứ nhất, cần từ bỏ chiến lược liên tục tăng lượng xuất khẩu gạo hiện nay. Chiến lược hợp lý hơn cho ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay là giảm loại gạo có phẩm cấp thấp, chuyển sang sản xuất loại gạo có phẩm cấp cao hơn và có giá trị xuất khẩu cao hơn. Nói cách khác, cần chuyển từ xuất khẩu gạo dựa vào số lượng sang dựa vào chất lượng. Thứ hai, phát triển công nghiệp chế biến, để bên cạnh việc xuất khẩu gạo nguyên liệu còn xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo có giá trị gia tăng cao hơn. Thứ ba, cần có chiến lược quốc gia xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Những biện pháp trên hy vọng sẽ giúp cho ngành lúa gạo phát triển bền vững, mang lại lợi ích thực sự cho đất nước và người nông dân trồng lúa.
Nguồn Báo Hải quan