Xuất khẩu gạo khó ngay từ đầu năm
Mới đầu năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phải hạ giá sàn gạo xuất khẩu. Điều này cho thấy xuất khẩu gạo vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về mặt thị trường ngay từ những ngày đầu năm mới.
Giảm giá sàn vì nhu cầu yếu
Hồi tháng 11 năm ngoái, VFA đã đưa ra giá sàn mới cho gạo xuất khẩu là 380 USD/tấn (loại 25% tấm), giảm 30 USD/tấn so với giá sàn của loại gạo này được đưa ra vào tháng 7 cùng năm. Vừa qua, Hiệp hội này đã điều chỉnh lại giá sàn gạo 25% tấm xuống còn 360 USD/tấn, thời hạn bắt đầu áp dụng là từ 12/1/2015.
Như vậy, so với mức giá sàn gần nhất, giá sàn mới đã giảm 20 USD/tấn và giảm tới 50 USD/tấn so với giá sàn hồi tháng 7 năm ngoái.
Sở dĩ VFA phải giảm giá sàn gạo xuất khẩu, chủ yếu là do nhu cầu trên thị trường hiện khá yếu trong khi nguồn cung lại bắt đầu tăng lên bởi đã có những diện tích lúa đông xuân sớm được thu hoạch. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn đang có xu hướng giảm xuống.
Đến ngày 10/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 375-385 USD/tấn, gạo 25% tấm 345-355 USD/tấn... Giá gạo của các nước xuất khẩu lớn cũng đang giảm: gạo 100%B của Thái Lan (tương đương gạo 5% tấm của Việt Nam) ở mức 420-430 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ 390-400 USD/tấn, gạo 5% tấm Pakistan 370-380 USD/tấn...
Ông Lê Minh Trượng, GĐ Cty Lương thực Sông Hậu, cho hay, trong những ngày đầu năm này, hoạt động xuất khẩu gạo khá ảm đạm. Các DN chỉ đang giao dịch những đơn hàng nhỏ lẻ. Trong khi đó, những nhà nhập khẩu lớn vẫn đang có ý trông chờ giá gạo Việt Nam giảm xuống thêm nữa.
Việc thiếu vắng những hợp đồng tập trung cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đầu ra của hạt gạo Việt Nam. Theo VFA, đến hết năm 2014, những đơn hàng đã ký để xuất khẩu trong đầu năm 2015 hầu hết vẫn là những hợp đồng thương mại, mà chưa có những hợp đồng tập trung. Vì thế, XK gạo trong quý 1 năm nay chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Đẩy mạnh thị trường châu Phi
Trước tình hình đó, việc tìm kiếm đầu ra cho hạt gạo ngay từ đầu năm là vấn đề cấp thiết, nhất là khi Trung Quốc - thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam trong mấy năm qua, đang ngày càng siết chặt mua bán qua đường tiểu ngạch, đồng thời gia tăng nhập khẩu chính ngạch từ nhiều nguồn cung, khiến cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang nước này trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ giảm. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan cũng là những khó khăn lớn cho XK đầu năm nói riêng và cả năm nói chung.
Trong bối cảnh này, các thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á đang được chú ý tới nhiều hơn, nhất là thị trường châu Phi. Trong năm 2014, gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi bị giảm tới 80%, do Thái Lan xả hàng gạo tồn kho với giá rẻ. Các nước Ấn Độ, Pakistan cũng giảm giá để bán vào thị trường này.
Dầu vậy, theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Phi (Bộ Công thương), Tây Á và Nam Á vẫn có nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào châu Phi. Bởi với giá cả ở mức không quá cao, gạo đang ngày càng trở thành loại lương thực phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người dân nhiều nước ở châu lục này. Phần lớn các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo ở châu Phi lại thường nhập khẩu gạo trắng có phẩm cấp và giá vừa phải, phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam.
Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm, châu Phi nhập khẩu tới 8-10 triệu tấn gạo, phần lớn là gạo 25% tấm. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2015, nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi vẫn tiếp tục tăng lên. Trong đó, riêng khu vực hạ Sahara được dự báo sẽ nhập khẩu gạo ở mức kỷ lục với 12,75 triệu tấn.
Để gạo Việt Nam có thể thâm nhập trở lại và đứng vững trên thị trường châu Phi, Bộ Công thương đang đẩy mạnh đàm phán và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với nhiều nước thuộc châu lục này như Bờ Biển Ngà, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar...
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối hai bên thực hiện các MOU về thương mại gạo đã ký với Sierra Leone, Guinea và Comoros... Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique..., để tiêu thụ gạo trực tiếp. Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi...
Nguồn Nông nghiệp Việt Nam