Xuất khẩu gạo hết chật vật
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,003 triệu tấn gạo, so với cùng kỳ năm ngoái thì giảm khoảng 14%. Giá gạo XK trung bình cho đến nay ở mức khoảng 432 USD/tấn (FOB), tăng khoảng 1 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Xuất khẩu gạo đã “chật vật” trong suốt 6 tháng qua. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, ngành gạo đã liên tiếp đón nhận những tín hiệu khả quan từ thị trường. Đó là Malaysia, Philippines đã chính thức đề nghị tăng mua thêm gạo từ Việt Nam. Chưa kể, các thị trường như Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh cũng đang có ý định mua gạo của Việt Nam…
Trong tháng 7 này, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ xuất khẩu 200.000 tấn gạo 5% tấm cho Malaysia với giá thỏa thuận FOB giao tại cảng Sài Gòn là 410 USD/tấn. Theo hợp đồng, việc giao hàng sẽ diễn ra trong cả tháng 8 tới. Đây là hợp đồng lớn nhất của Việt Nam sau thương vụ bán 800.000 tấn gạo cho Philippines mà Việt Nam trúng thầu từ tháng 4/2014
Chỉ mới tháng trước, Philippines cũng bất ngờ tuyên bố sẽ nhập khẩu thêm 200.000 tấn gạo từ Việt Nam để bổ sung vào kho dự trữ. 5 tháng đầu năm 2014, tổng khối lượng gạo của Việt Nam xuất sang Philippines đạt 493.000 tấn. Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, năm nay Philippines dự định nhập 1,4 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính Philippines có thể phải nhập 2 triệu tấn gạo trong năm 2014 và 1,8 triệu tấn năm 2015 mới đảm bảo đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước. Với tình hình trên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định,xuất khẩu gạo quý III/2014 của Việt Nam sẽ thuận lợi nhờ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn ổn định và sự gia tăng khối lượng gạo xuất khẩu Việt Nam đã ký ở các hợp đồng tập trung.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), hội viên VFA dự đoán, hợp đồng gạo xuất khẩu tập trung trong năm nay sẽ không thấp hơn 1,5 triệu tấn (năm 2013 chỉ đạt khoảng 700.000 tấn). Theo thông tin không chính thức từ VFA thì tới thời điểm này Việt Nam đã có trong tay hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung khoảng 1,2 triệu tấn.
Tận dụng cơ hội…
Theo lãnh đạo VFA, tại khu vực Đông Nam Á, mặc dù nhu cầu tiêu thụ sút giảm nhưng Việt Nam vẫn có khả năng giành được các hợp đồng cấp chính phủ khi các nước này có nhu cầu nhập khẩu gạo.
|
Các hợp đồng gạo đã ký với Philippines, Malaysia… đã và đang chứng tỏ điều này. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 2 năm qua, được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu từ nay tới cuối năm và cả trong năm tới.
Gạo Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã tăng rất mạnh, và dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tấn. VFA dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2014 sẽ dao động ở mức 6,5-7 triệu tấn, không thay đổi đáng kể so với dự báo hồi đầu năm 2013. Và mới đây nhất, Philippines đã từ bỏ mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo hoàn toàn.
Nước này sẽ tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu cho tới năm 2016. Đây được xem là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở lượng gạo đã ký với Việt Nam, Philipines còn có thể mua thêm gạo từ nay tới cuối năm để đề phòng khả năng El Nino quay lại trong quý III – yếu tố có thể gây hạn hán ở Philippines sau những cơn bão lớn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Bích cho biết, để tránh bị ép giá, cả hai cường quốc xuất khẩu gạo số 1 và số 2 thế giới là Ấn Độ và Thái Lan đều đã “phát tín hiệu” giãn tiến độ xuất khẩu. Đây chắc chắn sẽ là nguồn động lực thúc đẩy các quốc gia có nhu cầu nhanh chóng tăng nhập khẩu gạo trước khi giá gạo tăng và cơ hội để xuất khẩu gạo Việt Nam gặp thuận lợi trong ngắn hạn là có.
Ông Nguyễn Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT cho rằng, Việt Nam cần làm tốt việc xúc tiến thương mại gắn với từng thị trường để tạo lập thương hiệu cho hạt gạo có giá trị cao nhất.
Nguồn Dân Việt