Thứ Hai | 30/09/2013 16:21

Xuất khẩu gạo đang gặp khó

Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm thậm chí được cảnh báo sẽ còn khó khăn hơn.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến công tác tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2013 của Bộ Công Thương sáng nay (30/9), nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh kết quả xuất khẩu khả quan 9 tháng đầu năm, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Than đá, cao su, thủy sản, đặc biệt là gạo….

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 96,46 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước 32,51 tỷ USD, tăng 4,4%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 58,45 tỷ USD, tăng 27,0%.

Về nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 14,73 tỷ USD, giảm 6,5% và chiếm tỷ trọng 15,27% trong tổng kim ngạch xuất; kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước 7,24 tỷ USD, giảm 17,1% và chiếm tỷ trọng 7,5%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 67,24 tỷ USD, tăng 26,4% và chiếm tỷ trọng khoảng 69,71%...

Tính chung kim ngạch xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm ước đạt 10,7 tỷ USD/tháng là mức cao nhất từ trước đến nay. 9 tháng có 19 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Dù vậy, theo phản ánh của một số địa phương, hiệp hội thì tình hình xuất khẩu gạo 9 tháng và dự báo những tháng cuối còn vô vàn khó khăn.

Ông Huỳnh Văn Gành - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang bức xúc: Giá thu mua luá gạo đã giảm mạnh, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Giá bán thấp khiến nhiều nông dân găm hàng, không bán. Ông Gành đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua gạo giá cao hơn để nông dân bán hết lúa gạo ra.

Còn theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn: Tháng 9, cả nước mới xuất khẩu được khoảng gần 400 nghìn tấn gạo (mục tiêu 600 nghìn tấn), so với cùng kỳ năm 2012 thì thấp hơn nhiều (750 nghìn tấn). Giá gạo xuất khẩu giảm khoảng 16%.

Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu 5 triệu tấn gạo, do đó kế hoạch xuất khẩu 7 triệu tấn trong năm 2013 là khó khả thi.

Về thị trường, nhiều hợp đồng hết hạn đã bị hủy nên tình hình đã khó càng thêm khó. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, dù có danh sách thương nhân nhập khẩu gạo nhưng 2 tháng qua, Trung Quốc đã không cung cấp hạn ngạch mới cho doanh nghiệp này. Vì vậy, tháng 9, các doanh nghiệp chỉ xuất sang được thị trường Trung Quốc 45 nghìn tấn gạo. Do đó, hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét gia hạn vốn vay cho doanh nghiệp.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu và các Sở Công Thương tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo; bám sát tình hình, kịp thời có đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn; tìm thị trường mới cho doanh nghiệp xuất khẩu… bằng mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu. Về lâu dài, có một số ý kiến cho rằng phải điều chỉnh chiến lược sản xuất lương thực.

Nguồn Báo Công thương


Sự kiện