Thứ Tư | 06/08/2014 12:08

Xuất khẩu gạo: Ấn tượng gạo thơm

Trong 8 mặt hàng gạo xuất khẩu, có đến 6 mặt hàng giảm về lượng, riêng gạo thơm tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, đến hết tháng 7/2014, trong 8 mặt hàng gạo xuất khẩu, có đến 6 mặt hàng giảm về lượng, riêng gạo thơm đạt khoảng 700.000 tấn (tương đương 1,4 triệu tấn lúa), tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Với giá xuất khẩu vượt ngưỡng 600 USD/tấn gạo thơm (cao hơn gần 200 USD/tấn so với gạo 25% tấm) như hiện nay, là hấp lực để nông dân tập trung đầu tư đúng mức cho việc trồng lúa thơm.

Thống kê của VFA cho thấy đến hết 31/7, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 3,617 triệu tấn gạo, trị giá FOB 1,56 tỷ USD; trị giá CIF 1,647 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2013, số lượng giảm 10,78%, trị giá FOB giảm 10,27%, trị giá CIF giảm 9,2% và giá FOB bình quân tăng 2,43 USD/tấn. Hợp đồng còn lại các doanh nghiệp chưa giao hàng là 2,102 triệu tấn.

Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 7 đạt trên 615.000 tấn, trị giá 264,6 triệu USD, cao nhất kể từ đầu năm 2014. Đồng thời, giá gạo của Việt Nam vào cuối tháng 7 cũng tăng lên mức cao nhất từ đầu năm. Cụ thể, gạo 5% tấm mà Việt Nam đang chào bán có giá 460-470 USD/tấn, loại gạo 25% tấm có giá chào bán 405-410 USD/tấn.

VFA phân tích giá gạo Việt Nam trong thời gian qua tăng mạnh là do các doanh nghiệp tập trung giao hàng các hợp đồng đã ký với Philippines và Malaysia cũng như nhiều thông tin tích cực về thị trường tiêu thụ.

Trước diễn biến giá xuất khẩu mới, ngày 28/7, VFA đã tăng giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam lên mức 410 USD/tấn (loại 25% tấm), tăng 45 USD/tấn so với giá sàn cũ áp dụng từ tháng 7/2013.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL xuống giống vụ Hè Thu năm 2014 được 1,665 triệu ha/1,7 triệu ha diện tích kế hoạch. Thu hoạch được 750.000 ha, năng suất khoảng 5,6-5,7 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 4,23 triệu tấn lúa. Các tỉnh, thành phố ĐBSCL xuống giống vụ Thu Đông được khoảng 280.000 ha/800.000 ha diện tích kế hoạch.Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.850-5.950 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.100-6.200 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.650-7.750 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.500-7.600 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 9.300-9.400 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.850-8.950 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.300-8.400 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.


Về lũy kế xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 3 trong số 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Thái Lan vẫn dẫn đầu đạt 5,62 triệu tấn, tăng gần 55%, so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu của Ấn Độ nhanh chóng bắt kịp Thái Lan, với tổng số xuất khẩu đạt 5,49 triệu tấn, giảm 1,6%. Xuất khẩu của Pakistan đứng vị trí thứ 4, với 1,84 triệu tấn, giảm 12,3%. Mỹ đứng vị trí thứ 5 với 1,68 triệu tấn, giảm 21,3%.

Tổng khối lượng xuất khẩu của 5 nước xuất khẩu lớn nhất đạt 18,37 triệu tấn, tăng khoảng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2013/2014 đạt khoảng 475,6 triệu tấn (so với 467,6 triệu tấn niên vụ 2012/2013), tiêu dùng toàn cầu khoảng 474,6 triệu tấn. Thương mại gạo toàn cầu dự báo đạt mức cao 40,9 triệu tấn, tăng 3,6 triệu tấn so với 37,3 triệu tấn năm 2013.

Nguồn cung vẫn dồi dào nên thị trường gạo những tháng còn lại năm 2014 dự báo tiếp tục cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu. Một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ lượng tồn kho cao, Thái Lan phải bán ra để giảm bớt áp lực tồn kho. Các nước nhập khẩu có sự thay đổi chính sách nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện