Minh Đức Thứ Hai | 03/10/2022 09:04

Xuất khẩu gánh tỉ giá

Cuộc chiến tiền tệ giữ cho tiền đồng không bị mất giá quá nhiều trước đồng USD mạnh nhất trong 20 năm qua.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (0,75%), đồng USD tăng mạnh. Dollar Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ lớn - đã tăng hơn 14% năm nay. FED cũng đã đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 và 4,5-4,75% vào cuối năm 2023, cao hơn khoảng 25 điểm cơ bản so với kỳ vọng của thị trường trước khi cuộc họp diễn ra.

Giá USD tăng mạnh trong khi các đồng ngoại tệ khác như euro, yen đồng loạt lao dốc đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Trong đó, USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn (khoảng 60-70%) các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên diễn biến của USD cũng gây ra nhiều biến động cho thị trường xuất nhập khẩu.

 

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các thị trường xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Brazil đều giảm giá mạnh đồng nội tệ tới 30% để thích ứng với biến động tỉ giá so với đồng USD. Điều này khiến sản phẩm của Việt Nam trở nên khó cạnh tranh hơn. Tương tự, trong lĩnh vực dệt may, các đối thủ có đồng tiền bị mất giá như Ấn Độ hay Trung Quốc đang có lợi thế cạnh tranh hơn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, thị trường dệt may xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ khá trầm lắng trong các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023.

 

Giá USD tăng khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu sẽ tăng phí nhập khẩu, phí vận tải và phải gánh khoản chênh lệch tỉ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD. Ngay cả khi đồng USD tăng giá giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi nhưng về dài hạn sẽ gây ra nhiều khó khăn. Bởi vì USD tăng chủ yếu do tăng lãi suất nên khi lãi suất cao, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chững lại, theo đó việc nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ kiện sẽ bị hạn chế... 

Đáng chú ý, biến động bất lợi của tỉ giá hối đoái và lãi suất đồng USD tăng cao làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, một số doanh nghiệp cơ cấu nợ bằng USD lớn như Nhiệt điện Hải Phòng, Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Thủy sản Minh Phú, Tổng Công ty Phát điện 3, Vietnam Airlines, Tập đoàn Vingroup, PC1, Điện lực Dầu khí Việt Nam, Novaland...

Trong đó, Vingroup có tổng dư nợ bằng USD lớn nhất với giá trị 65.559 tỉ đồng, dư nợ bằng USD/tổng dư nợ 39,4%. Đứng thứ 2 là Phát điện 3 với giá trị 36.868 tỉ đồng, dư nợ bằng USD/tổng dư nợ 86,6%; Vietnam Airlines là 21.815 tỉ đồng với dư nợ bằng USD/tổng dư nợ 66,3%...

 

Những doanh nghiệp có khoản vay USD với lãi suất cố định sẽ chịu áp lực gia tăng chi phí lãi vay và lỗ tỉ giá khi đánh giá lại giá trị khoản vay. Đồng USD mạnh lên sẽ kéo theo giá trị của chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều tăng lên khi quy ra VND. FED với quan điểm cứng rắn hơn về thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây áp lực lớn lên tỉ giá hối đoái, khiến cho giá trị các khoản vay ngắn hạn gia tăng về nợ gốc, gây ra rủi ro về dòng tiền đối với doanh nghiệp khi phải xoay xở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay. Hơn nữa, khi khoản nợ vay ngắn hạn này đáo hạn, khả năng cao doanh nghiệp sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh (gia tăng chi phí lãi vay). 

Áp lực tỉ giá trong nước khiến Ngân hàng Nhà nước phải bán ra lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường. Ước tính, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 20 tỉ USD, giảm dự trữ ngoại hối xuống còn 90 tỉ USD. VNDirect dự báo VND có thể mất giá khoảng 3,5-4% so với USD trong năm 2022. Sang năm 2023, áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo VND tăng giá so với USD do FED chuyển từ “thắt chặt chính sách tiền tệ” sang “bình thường hóa chính sách” trong năm tới; lãi suất USD giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023; lãi suất VND duy trì xu hướng tăng trong năm 2023; bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại và cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8-4,2% như dự báo. Với mức lạm phát này, tỉ giá hối đoái sẽ biến động 2-2,5%, tức chỉ xoay quanh mức như hiện nay. “Trong trường hợp có biến động lớn về tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một lượng dự trữ ngoại tệ làm cho tỉ giá trở lại ổn định như chúng ta đã làm trong 2 quý gần đây”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Thạc sĩ Phan Minh Hòa, giảng viên kinh tế Đại học RMIT, khuyến nghị doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và đa dạng hóa sự lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi. Để phòng ngừa rủi ro tỉ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi...