Đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, tín hiệu phục hồi đã rõ nét hơn với tốc độ tăng của sản lượng đơn hàng. Ảnh: Quý Hòa

 
Hà Linh Thứ Ba | 26/03/2024 13:00

Xuất khẩu đón đầu cơ hội phục hồi

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã nhìn thấy tín hiệu phục hồi tích cực cùng với kỳ vọng về một bức tranh kinh doanh tươi sáng hơn trong năm 2024.

Ngay từ những ngày đầu năm, các ngành hàng xuất khẩu như da giày, dệt may, bao bì, đồ gỗ, thủy sản liên tục đón tin vui khi đơn hàng quay trở lại, một số doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý II/2024. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang ấm dần lên, tạo cú hích thúc đẩy đơn hàng xuất khẩu thuộc các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, giày dép và điện tử gia tăng.

 

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết hiện Công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Tại nhà máy, công nhân đang được tăng ca suốt 5 ngày/tuần với 2-2,5 tiếng/ngày. Tương tự, Ever Tech Plastic Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công đế, khuôn mẫu giày, cũng có đơn hàng cho những tháng đầu năm 2024, không khí làm việc tại nhà máy phấn khởi hơn. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ever Tech Plastic Việt Nam, cho biết thị trường xuất khẩu của Công ty chủ yếu là Mỹ và EU. Để giữ được thị trường, Công ty chuyển hướng làm nhiều đơn hàng lớn nhỏ khác nhau. 

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng cho biết lượng đơn hàng từ các thị trường lớn chưa phục hồi đáng kể, song những thị trường nhỏ hơn như Trung Đông hay một số khu vực khác tại châu Á phục hồi rõ rệt, bù phần nào việc thiếu đơn hàng từ các thị trường truyền thống.

Ngành thủy sản cũng chứng kiến tín hiệu phục hồi tích cực với giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng đầu năm nay, xuất khẩu đã tăng bứt phá 64% so với cùng kỳ năm 2023 (nếu bỏ yếu tố Tết Nguyên đán trùng vào tháng 1 năm ngoái thì xuất khẩu vẫn tăng 25-26%). Tính đến hết tháng 2, giá trị xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu cá tra tăng 15%. Trong đó, xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Canada, Úc. Đặc biệt, tại Trung Quốc, nhu cầu hồi phục tốt, trong khi đối thủ cạnh tranh là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng Biển Đỏ cũng khiến cho sản lượng tôm Ecuador vào Trung Quốc sụt giảm.

Đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, tín hiệu phục hồi đã rõ nét hơn với tốc độ tăng của sản lượng đơn hàng. Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, doanh nghiệp này đã nhận đơn hàng đến hết quý II, một số đơn hàng chuẩn bị cho quý III/2024. Một nhà máy may ở Nghệ An cũng cho biết, khi ngành may có dấu hiệu phục hồi, các khách hàng đối tác đã tự tìm đến, ký kết nhiều hợp đồng với doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đang tập trung sản xuất đơn hàng xuất đi thị trường châu Âu và Mỹ.

 

Theo báo cáo của S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại và duy trì trên mốc 50 điểm trong 2 tháng đầu năm 2024. Kết quả này cho thấy ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng dù chưa đáng kể. Theo đó, điều kiện kinh doanh nhìn chung được cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại lần đầu tiên trong 3 tháng gần đây do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục. Số lượng đơn hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên lần đầu tiên trong 4 tháng và là mức tăng cao nhất trong một năm.

Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Trần Thanh Hải nhận định, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm nay khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do cho xuất nhập khẩu. Cục Xuất Nhập khẩu cũng dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.

Trong năm 2024, ngành thủy sản được dự báo có thể tăng trưởng 20-30%, nhờ kinh tế phục hồi và lạm phát hạ nhiệt. Đặc biệt, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được hưởng lợi khi EU mới đây quy định cá minh thái (mặt hàng thay thế cá tra ở phương Tây) và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7%. Theo đó, cá tra Việt Nam sẽ có thêm dư địa tăng trưởng ở EU - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Ngoài thị trường EU, nhu cầu tiêu dùng cá tra ở Mỹ được dự báo phục hồi trong năm 2024. Nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung giảm sẽ là động lực tăng trưởng chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam như Vĩnh Hoàn, I.D.I, Nam Việt...

Ngành dệt may kỳ vọng xuất khẩu năm 2024 sẽ đạt 44 tỉ USD, tăng khoảng 4 tỉ USD so với năm 2023. Công ty Đầu tư Thương mại TNG đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với cùng kỳ về cả doanh thu và lợi nhuận. Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đặt mục tiêu tăng trưởng 15%. Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng đặt mục tiêu doanh thu tăng 3%, đạt 17.356 tỉ đồng và lợi nhuận tăng 10%, đạt 415 tỉ đồng trong năm 2024.

Đối với nhóm ngành gỗ, Phú Tài đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng lần lượt 9% và 15% so với cùng kỳ. Ngoài gỗ, mảng đá thạch anh cũng dự kiến đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Phú Tài.

Mặc dù lạc quan về tình hình xuất khẩu trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng: “Các doanh nghiệp vẫn phải dự phòng rủi ro, biến động có thể xảy ra, đổi mới sản xuất, đầu tư thiết bị công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường, làm ra sản phẩm có giá trị cao hơn, tăng tính cạnh tranh. Ngành dệt may cạnh tranh rất lớn với các quốc gia Campuchia, Bangladesh... thì không thể bằng lòng với hệ thống dây chuyền sản xuất có từ 20 năm qua. Điều này có thể khiến chúng ta không nhận được các hợp đồng sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn”