Các nhà máy sàn xuất dần thu hẹp lại trong khi nguồn nguyên liệu nhân lại khan hiếm
Xuất khẩu điều Việt Nam 2018 vẫn đứng số 1 thế giới
Giữa vững vị thế số 1 thế giới
Theo đó, sản lượng chế biến điều của Việt Nam năm 2018 đạt 1,65 triệu tấn hạt điều thô và xuất khẩu 391.000 tấn nhân điều, đạt kim ngạch xuất khẩu 3,52 tỉ USD, tăng 7,8% về lượng so với năm 2017.
Với kim ngạch này, ngành điều Việt Nam chiếm thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu (khoảng 5,7 tỉ USD), đồng thời xếp trên Ấn Độ và Brazil.
Cũng theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nhu cầu điều nhân cuối năm 2018 trầm lắng. Theo đó, các thị trường EU và Mỹ vào kì nghỉ lễ dài để đón năm mới và Giáng Sinh nên tạm ngưng giao dịch kéo theo giá điều cũng "lặng sóng".
Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết các hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn tháng 1.2019 đã được thực hiện ở khâu sản xuất, do đó nhu cầu hạt điều dự kiến yếu thời gian tới. Trong khi đó, nguồn cung hạt điều được bổ sung khi nhiều nước sản xuất bước vào vụ thu hoạch sớm.
Giá điều xuất khẩu nửa đầu tháng 12.2018 trung bình đạt 8.109 USD/tấn, chỉ tăng 2% so với cuối tháng 11.2018 và thấp hơn tới 20,7% so với cùng kì năm 2017.
Dự báo năm 2019 sẽ là năm khó khăn và thách thức đối với thị trường điều, nên Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cáo các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng, các doanh nghiệp không nên vội kí hợp đồng khi vụ mùa chưa bắt đầu đầu.
Đồng thời, doanh nghiệp cần kiểm soát chất lượng từ ngay đầu thu mua, nhất là từ Tây Phi vì có thể xảy ra việc trộn nguyên liệu cũ. Vì dự báo khó khăn nên Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết mục tiêu năm 2019 sẽ xuất khẩu khoảng 350.000 tấn điều nhân, duy trì mục tiêu giảm lượng và tăng chất.
Thị trường nhiều khó khăn
Giá điều nhân xuất khẩu giảm trong khi giá điều thô nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến lại tăng và khan hiếm hàng. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngay từ tháng 1, giá điều nhập khẩu từ châu Phi lên tới 2.340 USD/tấn, gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2017. Đến tháng 2, con số này tiếp tục tục tăng lên gần 2.490 USD/tấn.
Nguyên nhân là do công suất chế biến điều tăng mạnh trong khi diện tích và sản lượng điều trong nước liên tục giảm. Thông thường lượng điều thô mua vào từ đầu năm sẽ được các nhà máy dự trữ để duy trì sản xuất cả năm.
Nhưng năm nay, phần lớn điều thô nhập từ đầu năm đã được sử dụng hết khiến 6 tháng cuối năm có thể thiếu điều nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, do vậy các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu ồ ạt điều nguyên liệu từ châu Phi để chế biến.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Vinacas, cho biết nguồn nguyên liệu điều thô dùng để chế biến của Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu, chiếm tới 70%. Trong khi đó, một số nước như Nigeria, Bờ biển Ngà định hướng hạn chế xuất khẩu điều thô khiến giá điều nhập khẩu bị đẩy lên cao.
80% nhà máy, cơ sở chế biến điều buộc phải tạm đóng cửa; trong khi, hàng không có mà bán. Đó là nghịch lý của ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều, ông Thanh chia sẻ.
Tại tỉnh Bình Phước, với khoảng 600 nhà máy, cơ sở chế biến điều xuất khẩu, đã có khoảng 480 đơn vị buộc phải đóng cửa. Ở tỉnh Long An, trong tổng số 33 cơ sở, thì hiện chỉ còn 12 cơ sở hoạt động cầm chừng... Tính chung trên phạm vi cả nước, có khoảng 80% nhà máy, cơ sở chế biến điều đã tạm dừng hoạt động.