Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU gặp khó khăn
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU trong 10 tháng qua đạt 2,1 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2011. Không chỉ tác động đến việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2012, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may còn lo ngại về khả năng đơn hàng tiếp tục giảm trong năm 2013.
Năm 2012, Xí nghiệp may Lục Nam (thuộc Công ty cổ phần may Bắc Giang) đã bị giảm 10% đơn hàng xuất sang EU so với năm 2011. Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc xí nghiệp cho biết, xí nghiệp ước tính bị hụt khoảng 300.000-400.000 USD từ việc gia công hàng xuất khẩu sang EU.
Tổng kết quý III/2012, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) đã giảm 12% đơn hàng xuất khẩu chính sang Mỹ và EU so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng này khiến doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty giảm 18,2%. Ông Nguyễn Văn Thời, Tổng giám đốc TNG cho hay, so với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, TNG vẫn giữ được “phong độ” xuất khẩu khá tốt, nhưng do thị trường EU, Mỹ giảm sức mua quá mạnh, nên TNG vẫn bị ảnh hưởng về doanh thu.
Đáng ngại hơn, khủng hoảng khu vực EU khiến đồng euro biến động và mất giá liên tục. Trong khi đó, hàng dệt may của Việt Nam xuất đi EU và giao dịch bằng euro, nhưng đa số doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán bằng USD khi nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… Chính sự chênh lệch và thất thoát tỷ giá trong thanh toán khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu dệt may không có lợi nhuận cao.
Thừa nhận sức tiêu dùng hàng dệt may tại EU đã xuống thấp, bà Alice Baey, Giám đốc thu mua toàn cầu của Tập đoàn Casino (một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Âu) cho biết, khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đang tác động rõ rệt đến doanh số bán hàng dệt may. Tại nhiều thị trường thuộc EU, các nhà bán lẻ có xu hướng cố gắng tiêu thụ hàng tồn, hạn chế lượng hàng nhập mới.
Ông Nguyễn Văn Thiện cho rằng, khách hàng EU không mặn mà ký hợp đồng mới đã đành, mà so với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu mà doanh nghiệp dệt may ký được cũng không cao hơn, trong khi chi phí sản xuất tăng vì giá điện, nước, nhân công đều tăng. Trong bối cảnh đó, để mục tiêu xuất khẩu không bị ảnh hưởng, xí nghiệp my Lục Nam đã tiến hành cơ cấu lại thị trường xuất khẩu. Cụ thể, các khách hàng Nhật Bản, Mỹ, đặc biệt là Hàn Quốc được xí nghiệp quan tâm nhiều hơn. Nhờ vậy, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của xí nghiệp vẫn đạt mục tiêu đề ra là từ 10-11 triệu USD.
Mặc dù thấy rõ khó khăn tại thị trường EU chưa thể hồi phục ngay trong năm 2013, nhưng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đều hy vọng, kinh tế thế giới cũng như khu vực EU sẽ ổn định trong những tháng cuối năm, giúp phục hồi lượng đơn hàng cho năm sau.
Nguồn Báo Đầu tư