Thứ Sáu | 13/04/2012 07:58

Xuất khẩu dầu thô của OPEC tăng mạnh nhất từ 2008

Theo hãng theo dõi vận chuyển dầu Oil Movements, mức tăng này là do các nhà máy lọc dầu ở châu Á tăng cường dự trữ.
Theo hãng này, OPEC sẽ xuất khẩu 24,32 triệu thùng/ngày trong 4 tuần kết thúc vào ngày 28/4, tăng 5,2% so với mức 23,12 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 4 tuần kết thúc vào ngày 31/3. Dữ liệu này không tính đến Angola và Ecuador.

Roy Mason, người sáng lập Oil Movements cho biết số lượng tăng cao trong thời gian này của năm là điều bất thường. Điều này đến từ vùng Vịnh và có thể do các nước phương Đông đang tăng cường dự trữ trước khi bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu.

OPEC đã tăng dự báo về nguồn cung từ các nước ngoài tổ chức này trước thông tin từ Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu trên các thị trường đang được đáp ứng tương đối đầy đủ. Hợp đồng tương lai dầu thô Brent trên sàn London hôm qua được giao dịch ở giá 120 USD/thùng, tăng 12% từ đầu năm đến nay giữa những lo ngại rằng lệnh cấm vận chặt chẽ hơn áp lên Iran vào giữa năm nay sẽ khiến nguồn cung sụt giảm và làm gia tăng căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông.

Theo Oil Movements, lượng dầu xuất khẩu trung bình sẽ đạt mức 512,94  triệu thùng trong bốn tuần tới, tăng 9,7% so với tháng Ba và là mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2010.

Trong báo cáo tháng mới nhất, văn phòng OPEC tại Vienna cho biết hiện nay nhu cầu trên thị trường được đáp ứng đầy đủ. Các yếu tố cơ bản không thể khiến giá tăng. Thay vào đó, thị trường chịu ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị chứ không phải là từ sự sụt giảm nguồn cung thực sự.

Cũng theo báo cáo này, xuất khẩu của các nước Trung Đông bao gồm cả các nước không phải là thành viên của OPEC gồm Oman và Yemen sẽ đạt 18,14 triệu thùng/ngày trong bốn tuần tới, tăng 6,5%.

Oil Movements tính toán lượng dầu xuất khẩu của thế giới dựa trên các giấy tờ về cho thuê tàu chở dầu. Số liệu của hãng này ngoại trừ các tàu chuyển lậu.

OPEC gồm có các thành viên là Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Ả Rập Xê Út, UAE và Venezuela.

Nguồn CafeF/Trí thức trẻ


Sự kiện