Ảnh: Thiên Ân
Xuất khẩu cứu tăng trưởng
Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương và đạt mức tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Xuất siêu hỗ trợ tăng trưởng dương
Yếu tố then chốt là Việt Nam hấp thụ tương đối tốt cú sốc kinh tế từ COVID-19 và ảnh hưởng kinh tế của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Đáng chú ý, xuất khẩu đã giúp Việt Nam phục hồi hậu COVID-19 và hứa hẹn giúp nền kinh tế chuyển nguy thành cơ.
Theo thông tin sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nửa đầu tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt xấp xỉ 188 tỉ USD. Riêng kim ngạch nhập khẩu là 173,5 tỉ USD. Tính ra, Việt Nam tiếp tục ghi nhận con số xuất siêu kỷ lục 14,5 tỉ USD.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Nhìn trên hoạt động xuất nhập khẩu, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 1,8% trong năm 2020 và đạt 6,3% trong năm 2021. Đây là mức dự báo khả quan khi ở các nước khu vực châu Á, ADB dự báo suy giảm 0,7% vào năm nay, sau đó mới tăng trở lại.
Thực tế, dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho nhiều ngành nghề liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, nhà ở... cùng khoảng 50 ngành nghề khác. Tuy nhiên, mặc dù thị trường nhìn chung khó khăn nhưng ở một số phân khúc, diễn biến lại khởi sắc. Điển hình, bất chấp thị trường bất động sản trầm lắng, mảng bất động sản công nghiệp vẫn rất thu hút.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng gia tăng trước làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc và một số nước đổ vào Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những tập đoàn lớn như Boeing, Chevron, AIG, Exxon Mobil, General Electric (GE) đã nhìn thấy ở Việt Nam những lợi thế cạnh tranh khác biệt. Các doanh nghiệp này dành quan tâm lớn đến việc xây dựng các khu công nghiệp gắn với khu đô thị mới, làm cho mảng bất động sản công nghiệp trở thành phân khúc có tiềm năng lớn.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu dịch chuyển sự quan tâm mở rộng, trong những ngành về hạ tầng, logistics, dịch vụ... ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi các khu công nghiệp TP.HCM, Hà Nội đã kín chỗ. Minh chứng rõ nhất là vừa qua, các nhà đầu tư EU đề nghị đầu tư 1 tỉ USD vào dự án logistics cảng biển Cái Mép Hạ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đánh giá của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khi nhìn vào kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay, khả năng cao nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020.
Động lực TỪ EVFTA
Việt Nam đang có nhiều yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được đánh giá là điểm sáng của quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt 3,78 tỉ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lên mức 25,92 tỉ USD, tăng gần 600 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm.
Ông Terence Alford, Giám đốc Phòng Thị trường vốn và dịch vụ đầu tư Colliers International tại Việt Nam, đánh giá: “EVFTA tiếp tục là một trong những động lực thương mại quan trọng nhất, giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi trong 6-12 tháng tới”. Goldman Sachs dự đoán, nhờ vào tác động tích cực của EVFTA đến thị trường xuất khẩu và cả nền kinh tế, GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 2,5-2,7% và có khả năng mức tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong thời điểm khủng hoảng y tế toàn cầu năm 2020.
Ảnh: Quý Hòa |
Đặc biệt, theo ông Terence Alford, “sự cải thiện của thị trường xuất khẩu và GDP tăng sẽ giúp hỗ trợ, tạo cơ sở cho nền kinh tế Việt Nam đạt cán cân thương mại tích cực”. Nguồn vốn tài chính bổ sung sẽ thúc đẩy thanh khoản tốt hơn trong hệ thống ngân hàng. Nguồn cung tiền thặng dư sẽ thâm nhập vào thị trường, tài trợ cho các hoạt động. Từ đây, nhà đầu tư và những người tham gia thị trường có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cạnh tranh, với lãi suất ít bị thổi phồng hơn