Xuất khẩu: Cứ vui đã
2012 là năm đầu tiên sau gần 2 thập kỷ, Việt Nam mới được hưởng hơi thở mát lành của “xuất siêu”. Theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 114,6 tỉ USD, tương ứng tăng 18% so với năm 2011.
Trong thành tích đó, ấn tượng nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), họ đã chiếm ưu thế với giá trị xuất khẩu đạt 72,3 tỉ USD, tăng đến 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng khu vực này đã mang lại cho Việt Nam giá trị xuất siêu 12 tỉ USD, bù đắp cho giá trị nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước.
Bước sang năm 2013, liệu Việt Nam có thể lặp lại thành tích này để góp phần giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn, khoảng 5,5%?
Về mặt tổng thể, một số tổ chức đã đưa ra nhận định lạc quan hơn về viễn cảnh của nền kinh tế thế giới 2013. Tổ chức EIU trong báo cáo cập nhật vào tháng 12.2012 dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng với tốc độ 3,4%, cao hơn chút ít so với tốc độ 3% trong 2012. Khu vực châu Á ngoại trừ Nhật vẫn được đánh giá cao khi dự báo sẽ tăng trưởng mạnh, từ 5,5% lên đến 6,2% với sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, lạm pháp được kéo xuống thấp hơn, tỉ giá ổn định. Hiện tại, một loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã được công bố.
Trong năm qua, khó khăn của nền kinh tế đã phần nào khiến các doanh nghiệp thay đổi mô hình hoạt động theo hướng hiệu quả hơn. Trao đổi với NCĐT, ông Đinh Hồng Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất Vật liệu Xây dựng Secoin, cho biết do cảm nhận sớm những khó khăn của thị trường, Công ty đã nỗ lực khai phá các thị trường mới. “Giá trị xuất khẩu trong năm 2012 của Secoin tăng 30% so với năm 2011. Năm 2013 chúng tôi sẽ khám phá những thị trường giàu tiềm năng khác, đặc biệt là Thổ Nhỹ Kỳ, Mỹ, Đức, Đông Nam Á”, ông Kỳ nói.
Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex, nhận định có thể tình hình kinh doanh của Công ty sẽ thuận lợi hơn do nền kinh tế thế giới phục hồi và tiêu dùng tăng lên. “Ngoài ra, một số hàng hóa mà Công ty xuất khẩu được dự đoán sẽ thiếu hụt nguồn cung trong năm năm làm giá xuất khẩu sẽ tăng lên. Điều này tác động đến lợi nhuận của Công ty”, ông nói.
Tuy vậy, những doanh nghiệp lạc quan như Secoin hay Intimex vẫn chưa nhiều. Vẫn còn đó sự lo lắng của các doanh nghiệp đối với thị trường tiêu thụ trong năm nay.
“Có thể mọi thứ sẽ cải thiện chút ít trong năm 2013, nhưng những thay đổi quan trọng đến hành vi tiêu dùng chỉ có thể xuất hiện khi những cải cách có ý nghĩa xảy ra”, Trinh Nguyen, nhà kinh tế tại ngân hàng HSBC đưa ra nhận định.
Thêm vào đó, theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, lãi suất quá cao trong thời gian qua khiến các mặt hàng xuất khẩu của Công ty rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác.
Nhìn chung, khó khăn của doanh nghiệp trong năm nay vẫn không giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự ổn định của khối doanh nghiệp FDI, cùng tín tiệu tích cực từ quyết tâm ổn định vĩ mô, các nhà điều hành vẫn có cơ sở để lạc quan về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay sẽ đạt được.