Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi xuất khẩu sang nước này đã vượt 100 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa.

 
Tuệ Lâm Thứ Sáu | 07/06/2024 07:30

Xuất khẩu chờ mở cửa lớn vào Mỹ

Xuất khẩu đang đón cơ hội lớn khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Vào ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan nhằm xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. 

Cơ hội lớn hé mở 

Một ngày sau đó, trên thị trường chứng khoán, sau các thông tin về phiên điều trần, cổ phiếu ngành tôm bật tăng mạnh như cổ phiếu của Thủy sản Vĩnh Hoàn, Thực phẩm Sao Ta, Thủy sản Minh Phú... Phản ứng của thị trường phần nào cho thấy kỳ vọng của thị trường Việt Nam vào quyết định từ phía Mỹ.

Hiện tại, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ. Phiên điều trần nằm trong khuôn khổ quá trình đánh giá, với quyết định cuối cùng được đưa ra vào ngày 26/7/2024.

Việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhận được sự ủng hộ của các nhà bán lẻ cùng một số nhóm kinh doanh khác, nhưng vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất thép Mỹ, các nhà nuôi tôm ở Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ và nông dân nuôi ong của nước này. 

Để đánh giá nền kinh tế của một quốc gia có theo định hướng thị trường hay không, Bộ Thương mại Mỹ có 6 tiêu chí để xem xét gồm: Mức độ chuyển đổi của tiền tệ; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.

Theo Reuters, đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, luật sư Eric Emerson từ Công ty Luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ) khẳng định Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có nền kinh tế định hướng thị trường hay không. Những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chí này được thực hiện từ khá lâu và đã được cụ thể hóa sau khi 2 nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Tuy nhiên, các bên phản đối Việt Nam là nền kinh tế thị trường lập luận rằng, cam kết chính sách của Việt Nam chưa tương ứng với hành động cụ thể. Nhóm này cũng bày tỏ lo ngại việc các ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Ông Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, đại diện cho nhà sản xuất thép Steel Dynamics, cho hay, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ dẫn tới làn sóng nhập khẩu giao dịch không công bằng từ Việt Nam, từ đó tạo nền tảng cho Trung Quốc lách thuế quan ở Mỹ.

Chủ động nắm vận may 

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi xuất khẩu sang nước này đã vượt 100 tỉ USD. Do đó, khi được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sẽ hưởng nhiều lợi ích, đặc biệt đối với các vụ việc phòng vệ thương mại. 

“Nếu được công nhận, khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá, doanh nghiệp Việt sẽ không chịu cách tính toán bất lợi nói trên. Như vậy, biên độ, mức thuế suất tương ứng sẽ được phía Mỹ xác định theo hướng chuẩn mực, công bằng hơn, do đó có thể giảm đáng kể so với hiện tại”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, máy tính, sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành này có thể tránh được thuế chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) của Mỹ.

Với từng nhóm ngành xuất khẩu, SSI đưa ra từng mức ảnh hưởng khác nhau từ sự kiện này. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ được cho rằng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường do một số sản phẩm gỗ của Việt Nam đang bị điều tra thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu lốp xe, dệt may hay cá tra sẽ không ảnh hưởng đáng kể từ sự kiện trên do những mặt hàng này vẫn chưa chịu thuế AD/CVD hoặc mức thuế phải chịu đang thấp hơn so với các đối thủ nước khác. 

“Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ nói chung và của Thực phẩm Sao Ta nói riêng chỉ tăng trưởng nhẹ. Nếu Mỹ chính thức công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, xuất khẩu tôm sang thị trường này chắc chắn sẽ tăng mạnh”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết.

Tuy nhiên, để thực sự hưởng lợi từ quy chế này, doanh nghiệp Việt Nam còn phải bước qua hàng loạt rào cản kỹ thuật. Chẳng hạn, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo chia sẻ, để vào được thị trường Mỹ, họ phải vượt qua hơn 300 chỉ tiêu kiểm dịch, kiểm định. Theo đại diện của Công ty Nam Dương, để đạt được chứng nhận an toàn thực phẩm của thị trường Mỹ, đội ngũ của công ty này đã có quá trình chuẩn bị kéo dài tới 7 năm.

Do đó, doanh nghiệp xác định, cần phải đi trước và chủ động tìm đến các chuyên gia, các đơn vị hỗ trợ uy tín hay tìm hiểu từ chính doanh nghiệp đã thành công là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cơ hội từ thị trường Mỹ.