Chủ Nhật | 24/08/2014 10:09

Xuất khẩu cao su có thể “thất bát” cả năm

Cung vượt cầu, giá xuất khẩu liên tục “tuột dốc” là bức tranh của ngành cao su Việt Nam năm 2013 cũng như nửa đầu năm 2014.
Dự kiến, từ nay tới cuối năm, xuất khẩu cao su vẫn chẳng thể khá lên.

“Đầu” không xuôi...

Bộ NN&PTNT ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm đạt 451 nghìn tấn với giá trị 828 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và giảm 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trong nửa đầu năm, bình quân giá xuất khẩu cao su chỉ đạt 1.870 USD/tấn, giảm 25,76% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Trung Quốc giảm 23,6% về khối lượng và giảm 42,61% về giá trị; Malaysia giảm 13,41% về khối lượng và giảm 41,32% về giá trị.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), bước sang tháng 7 và đầu tháng 8, giá xuất khẩu cao su vẫn chưa có gì khởi sắc. Giá xuất khẩu cao su SVR 3L (mặt hàng chiếm khối lượng lớn nhất trong tổng số cao su xuất khẩu của Việt Nam) trung bình trong 3 tuần đầu tháng 7 chỉ đạt 1.931 USD/tấn, giảm 34 USD so với mức trung bình tháng 6, và giảm 294 USD so với tháng 7-2013. Còn tính trung bình tuần đầu tháng 8, giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 1.820 USD/tấn, giảm 79 USD/tấn so với mức trung bình trong tháng 7 và giảm 509 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Từ đầu năm đến nay, tiêu thụ cao su gặp khó khăn là bởi trên thị trường thế giới cung đang vượt quá cầu, mặc dù tổng cầu của thế giới vẫn tăng. Giá xuất khẩu cao su xuống thấp, đang ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, doanh nghiệp, người lao động. Trong nửa đầu năm, cả nước có khoảng 640 ha cao su kiến thiết cơ bản (cao su mới trồng được khoảng 5-7 năm, chưa cho khai thác) hoặc mới đưa vào khai thác được nông dân tự phát chuyển sang trồng cây khác (do trồng trên đất không phù hợp, cây sinh trưởng kém, một số diện tích trồng xen với cà phê, tiêu...) và khoảng 3.100 ha cao su già cỗi hoặc bị bão khó phục hồi được thanh lý để trồng tái canh.

...“Đuôi” khó lọt

Theo Bộ NN&PTNT, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam năm 2014 không có nhiều thay đổi so với năm 2013, dao động từ 858.980 tấn đến 1,2 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu dự báo đạt 1,85-1,99 tỷ USD. Xuất khẩu cao su không có tăng trưởng đột biến là do kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, các nước nhập khẩu cao su chính của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn còn dư lượng tồn kho cao su thiên nhiên lớn.

Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký VRA cho biết, từ năm 2013 đến nay ngành cao su gặp nhiều khó khăn do giá cao su giảm mạnh. Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của cao su thiên nhiên được dự báo sẽ giảm cả về lượng và giá trị. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cao su thế giới giảm sâu, chi phí sản xuất ngày càng tăng, việc xuất khẩu cao su thiên nhiên gặp nhiều khó khăn về thị trường và năng lực cạnh tranh. Để “cứu” ngành cao su, VRA đã kiến nghị và rất mong Bộ Tài chính nhanh chóng áp dụng giảm thuế xuất khẩu cao su từ mức 1% xuống 0% đối với 3 mặt hàng cao su sơ chế (latex, cao su hỗn hợp, crếp). Điều này sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh về giá xuất khẩu cao su Việt Nam so với các nước trong khu vực, khuyến khích các DN đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự bình đẳng trong sản xuất và xuất khẩu giữa các mặt hàng cao su.

Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến doanh nghiệp xung quanh kiến nghị giảm thuế của VRA. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, giảm thuế xuất khẩu cũng chỉ là giải pháp “cứu” ngành cao su trong ngắn hạn. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT chủ trương phải phát triển cao su bền vững, không chạy theo diện tích, tập trung nâng cao hiệu quả trên cơ sở tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm từ cao su và gỗ cao su.

Thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị liên quan tiếp tục duy trì, phát triển thị trường Trung Quốc, đồng thời xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK cao su mới. Các Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su trên địa bàn xây dựng các mô hình liên kết giữa người trồng cao su và cơ sở chế biến, xuất khẩu, nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất, tiêu thụ cao su đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

“Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phải là nòng cốt để thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm mủ cao su; liên kết chặt chẽ, hỗ trợ cao su tiểu điền áp dung kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch tiên tiến, các biện pháp tiết kiệm đầu tư để người sản xuất duy trì vườn cây không chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện, nguồn cung cao su trong nước khá dồi dào. Hoàng Anh Gia Lai và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã mở rộng sang Lào và Campuchia để phát triển các vùng trồng cao su. Hoàng Anh Gia Lai hiện có khoảng 44.500 ha vườn cây cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia và đã bắt đầu khai thác một phần. Cao su Phước Hòa (PHR) có khoảng 9.184 ha tại Kampong Thom, Campuchia. Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng đang phát triển 7.600 ha tại tỉnh Oddar Meanchey của nước này. Còn Công ty CP Cao su Đồng Phú (DPR) thì có 9.000 ha tại tỉnh Kratie.


Nguồn Báo Hải quan


Sự kiện