Thứ Năm | 07/08/2014 10:35

Xuất khẩu cá tra sang EU sụt giảm và bài toán tái cơ cấu ngành

Bài toán quy hoạch vùng nguyên liệu là bài toán khó cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên tham gia vào ngành cá tra
Xuất khẩu sang EU sụt giảm liên tục

Ngày 6/8, diễn đàn cá tra Việt Nam 2014 với chủ đề Phát triển cá tra bền vững tại thị trường EU diễn ra trong bối cảnh sản lượng xuất khẩu và giá cá tra liên tục sụt giảm trong thời gian dài.

Đánh giá về xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong giai đoạn 2011-2014, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết EU vẫn duy trì đứng đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 21-24% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu sụt giảm và mất ổn định.

Từ tháng 1 đến tháng 6/2014, kinh ngạch xuất khẩu đạt 173,2 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong những năm gần đây, xuất khẩu cá tra sang EU cũng liên tục sụt giảm. Năm 2013 xuất khẩu 385,4 triệu USD, giảm 9% so với năm 2012. Năm 2012, xuất khẩu 425,6 triệu USD, giảm 19% so với 526 triệu USD của năm 2011.

Các thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam như Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan cũng đã giảm nhập khẩu trung bình khoảng 14.300 tấn cá tra trong 3 năm qua.

Giá cá tra xuất khẩu hầu như không tăng trong các năm gần đây. Theo Eurostat, giá trung bình philê cá tra đông lạnh nhập khẩu vào EU 4 tháng đầu năm 2014 là 1,74 euro/kg, sụt giảm so với 1,76 euro/kg năm 2013, trong khi năm 2012 và 2011 lần lượt là 2,05 và 1,94 euro/kg.

Dấu hiệu của sự chững lại trong sản lượng xuất khẩu cá tra sang EU cũng như sự sụt giảm giá cả trong giai đoạn 2011-2014 gây lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng như các nhà quản lý ngành cá tra.

TS Phạm Anh Tuấn, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nói rằng nhà nước xem cá tra là một mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, chính phủ đã ra nghị định 36 nhằm nổ lực tái cơ cấu lại ngành cá tra. Cá tra cùng với lúa gạo là hai mặt hàng nông nghiệp chủ lực mà các cơ quan chức năng xây dựng hẳn một nghị định do chính phủ ban hành chứng tỏ tầm quan trọng của cá tra đối với ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như mối quan tâm của chính phủ đối với ngành này. Ông Tuấn cho biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ngày 29/7 vừa qua đã ký thông tư 23 hướng dẫn thực hiện nghị định.

Ổn định thay cho tăng trưởng

Về việc xây dựng quy hoạch nuôi và chế biến ngành cá tra, ông Tuấn cho biết từ năm 2009 nhà nước đã xây dựng quy hoạch ngành. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy các nhà hoạch định cho ngành cá tra đã quá lạc quan với tốc độ tăng trưởng của ngành trong những năm trước đó nên các con số quy hoạch xa vời so với thực tế. Năm 2014, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng không tăng diện tích và sản lượng nuôi trồng cá tra trong hai năm 2015-2016.

"Ổn định và bền vững là những từ được các diễn giả sử dụng thường xuyên trong hội thảo lần này thay cho từ tăng trưởng", bà Dương Phương Thảo - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương nói.

Dẫn các số liệu tăng trưởng sản lượng nuôi cá trong giai đoạn 2000-2008, bà Thảo chứng minh rằng xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tăng rất nhanh 133,2%/năm, có năm tăng đến 388%; từ 83 triệu USD lên 581 triệu USD.

Tuy nhiên, từ năm 2008, xuất khẩu cá tra sang EU suy giảm nghiêm trọng do khủng hoảng tài chính toàn cầu làm đồng Euro giảm giá, hàng xuất khẩu vào EU trở nên đắt hơn, có chiến dịch bôi xấu chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam tại một số nước như Italia, Tây Ban Nha, Ai Cập...

Bà Thảo nhận định có một sự thay đổi trong nhận thức của ngành cá tra từ tăng trưởng nóng sang phát triển ổn định. Bà Thảo kể năm 2012, khi giá cá tra sụt giảm do nguồn cung vượt nhu cầu tiêu thụ, ngành cá tra đã tổ chức một hội thảo gồm nhiều bên liên quan để tìm cách giải quyết vấn đề, khi đó nguyên nhân vấn đề được đổ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã không tìm cách tăng trưởng thị trường xuất khẩu khiến giá cá tra sụt giảm. Tuy nhiên cho đến nay, sự sụt giảm liên tục của thị trường EU trong ba năm vừa qua cho thấy rằng ngành cá tra cần duy trì sự ổn định hơn chứ không nên chạy theo tăng trưởng để tạo ra sự mất ổn định.

Xuất khẩu cá tra sang EU lại giảm liên tục từ 581 triệu USD năm 2008 xuống còn 385,1 triệu USD năm 2013, tốc độ giảm trên 5%/năm, thậm chí năm 2012 tới 18,8%. Tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU giảm từ 48% năm 2007 xuống còn 21,9% năm 2013.

Quy hoạch lại vùng nuôi

Bài toán quy hoạch vùng nguyên liệu là bài toán khó cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên tham gia vào ngành cá tra từ người nuôi cho đến doanh nghiệp. Nhiều giải pháp được các diễn giả đưa ra nhằm mục đích phát triển cá tra bền vững tập trung vào các nhóm giải pháp quy hoạch sản lượng với mục tiêu điều tiết sản lượng để hạn chế sự biến động của giá cả. Ông Hòe đề nghị cần có nghiên cứu và tổng hợp thông tin về tình hình khai thác cá thị trắng (cá minh thái Alaska, cá tuyết, cá rô phi...) trên toàn thế giới để có thể ấn định sản lượng cá nuôi hàng năm tránh tình trạng tăng nóng, giải quyết căn bản bài toán về giá cá nguyên liệu trên quy luật cung cầu của thị trường.

Giải pháp quy hoạch vùng nguyên liệu đã được VASEP đề cập đến nhiều lần khi xảy ra hiện tượng giá cá tra sụt giảm nhưng đến nay theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch danh dự VASEP, những con số thống kê về sản lượng và diện tích nuôi trồng không thể thu thập được.

Một giải pháp khác để ổn định vùng nuôi được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là cấp mã số cho vùng nuôi, đưa cá tra trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện, chỉ những nông dân, doanh nghiệp nào được cấp mã số mới có thể nuôi cá tra. Tuy nhiên, như bà Minh chỉ ra, những người nuôi cũ tăng sản lượng lên thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát việc tăng sản lượng lên bằng cách nào.

Nguồn Theo DVO/Gafin


Sự kiện