Xuất khẩu cá tra 2013: Giảm sản lượng, nâng giá bán
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng lâm vào cảnh khốn đốn do chế biến và xuất khẩu không hiệu quả, càng làm càng lỗ. Các nhà chuyên môn lo ngại ngành cá tra đang mất dần lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về hướng ra cho nghề cá.
Theo ông Hòe, ngoài những khó khăn khách quan như khủng hoảng kinh tế thế giới, những rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu... ngành cá tra còn gặp một vấn đề đáng lo ngại là các doanh nghiệp Việt Nam đã chào bán cá tra với nhiều giá khác nhau khiến các nhà nhập khẩu e ngại, không biết đâu là giá trị thực của cá tra.
Hiện cả nước chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra, nhưng có tới 300 công ty thương mại xuất khẩu sản phẩm cá tra. Một số doanh nghiệp không có nhà máy chế biến đã chào hàng cạnh tranh với giá thấp, bán hàng kém chất lượng… gây ảnh hưởng uy tín của cá tra Việt Nam.
Mặt khác, do thiếu vốn hoạt động và áp lực thu hồi nợ của ngân hàng nên một số doanh nghiệp phải tự xoay trở bằng mọi cách; trong đó có việc bán sản phẩm chất lượng không cao và chấp nhận giá bán thấp nhất trong lịch sử của ngành.
Về giải pháp cho vấn đề trên, ông Hòe cho biết, việc tái cấu trúc, sắp xếp lại nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, song thực tế vẫn chưa làm mạnh.
Ông cho rằng, đã đến lúc phải siết chặt việc quản lý từ vùng nuôi đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu cá tra. Cần đưa cá tra vào nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện.
Về lâu dài, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các dự án phát triển vùng nguyên liệu thông qua các loại hình liên kết như nuôi gia công, hợp đồng tiêu thụ cá theo hình thức ứng vốn hoặc thức ăn trước…nhằm giải quyết tốt mối quan hệ cung cầu, tránh tình trạng giá cá tra nguyên liệu lên xuống thất thường như thời gian qua gây thiệt hại cho người nuôi và doanh nghiệp.
Xuất khẩu cá tra cần áp dụng ghi trên bao bì về tiêu chuẩn chất lượng, tỷ lệ mạ băng… để người tiêu dùng và ngành chức năng kiểm soát, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Với điều kiện giá cá nguyên liệu còn thấp, vốn thiếu, thị trường xuất khẩu khó khăn… dự báo sản lượng cá tra năm 2013 sẽ dao động khoảng 800.000 - 900.000 tấn, giảm so với 1.285.500 tấn của năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 dừng lại ở mức hơn 1,5 tỷ USD, giảm so với 1,74 tỷ USD của năm 2012.
Ông Hòe cho rằng, việc giảm sản lượng nuôi và giảm kim ngạch xuất khẩu là cần thiết nhằm tái cấu trúc ngành cá tra để phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ, trả lại giá trị đích thực cho con cá tra. Nên thấy rằng, việc giảm sản lượng cá là điều kiện để nâng giá bán cao lên sẽ thu về lợi nhuận nhiều hơn. Song song đó, các doanh nghiệp cần giảm xuất khẩu cá tra phi-lê, tăng cường xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Nguồn SGGP