Xuất khẩu cà phê sang châu Phi tăng trưởng khả quan
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có mặt tại Châu Phi, chủ yếu là các nước Bắc Phi từ nhiều năm nay. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường nàyđạt 122 triệu USD, tăng 38%.
Các thị trường nhập khẩu chính gồm có Algeria (59 triệu USD), Tunisia (16 triệu USD), Ai Cập (14,8 triệu USD), Maroc (13,6 triệu USD), Libya (2 triệu USD). Ngoài ra, Nam Phi cũng là thị trường tiêu thụ cà phê tương đối lớn với kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2012 đạt 16 triệu USD.
Phần lớn cà phê nhập khẩu vào Bắc Phi dưới dạng cà phê thô (cà phê chưa rang xay và chưa khử cafein) qua trung gian là các thương nhân châu Âu. 80% cà phê nhập khẩu là cà phê robusta và 20% là cà phê arabica.
Nhìn chung, cà phê nhập khẩu phải tuân thủ việc kiểm tra chất lượng và các quy định chặt chẽ, do một cơ quan chống gian lận và một phòng thí nghiệm đảm nhiệm, đây là rào cản đầu tiên khi hàng bắt đầu vào lãnh thổ quốc gia. Những người có trách nhiệm sẽ phân tích mẫu lấy từ các bao khác nhau để kiểm tra xem có đáp ứng được các tiêu chuẩn qui định hay không. Về mặt pháp lý, trong mẫu 300 gr, trọng lượng nhân hỏng không được vượt quá 10 %, nếu không hàng sẽ bị ách lại tại cảng. Mức thuế nhập khẩu trung bình là 25% đối với cà phê chưa rang xay và 70% đối với cà phê rang xay.
Việc xuất khẩu cà phê hộp, cà phê hòa tan của Việt Nam vào các nước Bắc Phi còn hạn chế. Người tiêu dùng tại đây thường uống rất ngọt và đánh giá cà phê hòa tan của Việt Nam chưa có đủ độ đường. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý khi chế biến, xuất khẩu cà phê thành phẩm vào những thị trường này.
Trừ khu vực Bắc Phi không sản xuất cà phê còn lại những khu vực khác như Đông Phi, Tây Phi đều trồng loại cây này. Châu Phi cũng thành lập Tổ chức cà phê liên châu Phi bao gồm 25 nước sản xuất trong đó lớn nhất Ethiopia, Uganda và Bờ Biển Ngà.
Tại khu vực Bắc Phi, cà phê Việt Nam phải cạnh tranh với cà phê các nước Brazil, Indonesia, Guinea, Bờ Biển Ngà, Uganda, Togo và Congo.
Nguồn TTNN