Xuất khẩu Arabica thành phẩm: Giấc mơ vượt đại dương
Hàng loạt khó khăn vẫn chờ đợi ở khâu hạ tầng, dịch vụ và tiếp thị... và cả ở quốc gia tiêu thụ cà phê.
Tháng 7/2015, chuỗi cà phê nhượng quyền nổi tiếng của Mỹ, Starbucks công bố loại cà phê chè (Arabica) có xuất xứ Cầu Đất, Đà Lạt (Lâm Đồng) trở thành 1 trong 7 loại cà phê Arabica được hãng chọn giao dịch (cùng với cà phê Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia...) trên toàn cầu.
Theo đó, Starbucks sẽ bán cà phê Arabica có xuất xứ Việt Nam tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia trong thời gian tới. Liệu rằng thông tin này có tạo ra bước khởi đầu cho mục tiêu nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam thông qua việc phát triển dòng cà phê Arabica, thay vì Robusta chiếm hơn 80% sản lượng xuất khẩu như hiện nay?
Việc Starbucks đưa cà phê Arabica vào chuỗi cửa hàng của họ, theo quan điểm của ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, cũng không qua bất ngờ hay mới lạ.
Vì, trước đây, từ thế kỷ XIX - XX, khi các chuyên gia cà phê người Pháp phát triển vùng trồng tại Lâm Đồng, cà phê Arabica Cầu Đất đã đoạt giải bạc về chất lượng cà phê trên toàn thế giới.
Starbucks theo đó đã chọn cà phê Arabica Việt Nam với chất lượng tương đương các nước. Còn một chuyên gia khác trong ngành thì cho rằng, việc Starbucks đưa cà phê Arabica Việt Nam vào hệ thống của họ trước hết thể hiện tư duy phát triển bền vững cũng như chính sách hỗ trợ nông dân địa phương của một tập đoàn lớn.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện có rất nhiều thương hiệu cà phê rang xay đã xuất hiện ở thị trường nước ta, như Gloria Jeans Coffee, Coffee Bean & Tealeaf... Họ sử dụng nguồn nguyên liệu cà phê Arabica ở ngưỡng 35.000 tấn/năm, cho thấy tiềm năng rất lớn để phát triển loại cà phê này.
Song, phần lớn sản lượng cà phê Arabica hiện nay đều ưu tiên cho xuất khẩu. Thái Hòa từng được biết đến là đơn vị đầu tiên đưa cà phê Arabica trồng rộng rãi ở tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, vào thời điểm năm 2000, nông dân đốn bỏ hơn một nửa diện tích cà phê Robusta do giá xuống thấp, Thái Hòa đã khuyến khích họ trồng cà phê Arabica kèm theo các chính sách hỗ trợ bán cà phê, như tặng tivi, nồi cơm điện...
Giai đoạn năm 2006 - 2007 là thời hoàng kim của xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam này, chiếm hơn một nửa sản lượng cà phê Arabica xuất khẩu của cả nước.
Hiện, Thái Hòa đang có vùng trồng hơn 1.000ha cà phê Arabica, với sản lượng 2.000 tấn/năm. Nhưng, hầu hết sản phẩm đều được xuất khẩu thô (cà phê hạt) cùng với loại Robusta do DN phát triển.
Ông An phân tích, quan trọng nhất không phải là DN muốn xuất khẩu Arabica hay Robusta mà quyết định là của thị trường và người tiêu dùng. Nhà đầu tư nào cũng biết rằng, khi làm được thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu, giá trị sẽ cao hơn xuất thô rất nhiều.
Đơn cử, hiện nay có 26 quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, doanh thu đạt khoảng 30 tỷ USD/năm. Thế nhưng, đối với các hệ thống chế biến cà phê, họ làm thương hiệu, bán thành phẩm thì doanh thu khoảng 150 tỷ USD/năm.
"Nhìn ai cũng thấy lợi nhuận quá cao nhưng làm không hề dễ, vì điều này phụ thuộc vào quốc gia tiêu thụ cà phê chứ không phải quốc gia trồng cà phê.
Ngoài ra, việc người tiêu dùng có tiếp nhận hay không còn nằm ở khâu hạ tầng, dịch vụ và tiếp thị.
Sản phẩm tốt nhưng có tìm được người mua không, có tìm được thị trường với giá tốt không đó mới là vấn đề. Tất cả đều phải có giải pháp, lộ trình và triển khai bải bản.
Ngay như trường hợp nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil, đã phát triển cà phê 250 năm nhưng đến nay vẫn chọn xuất khẩu thô, nên tôi cho rằng, khi mình chưa đủ mạnh thì mình nên làm tốt vùng nguyên liệu trước vẫn hơn là nghĩ đến câu chuyện xây dựng thương hiệu cho cà phê Arabica Việt Nam", đại diện Công ty Thái Hòa viện dẫn.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 126 DN xuất nhập khẩu và trên 3.000 đại lý thu mua, từ lớn đến nhỏ.
Đến nay, chỉ tính ở nhóm cà phê Robusta, vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng vẫn chưa có thương hiệu ở nước ngoài, huống gì đến xây dựng thương hiệu cho cà phê Arabica "made in Vietnam", dòng cà phê mà các nước như Kenya, Indonesia đang chiếm lĩnh, một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành đặt vấn đề.
Chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, bà Huỳnh Thị Thanh Tâm, Đại diện Công ty TNHH Vovo kể về chuyện "khởi nghiệp lần hai với cà phê Arabica" mà DN bà đang theo đuổi.
Cách đây hơn hai tháng, Công ty đã liên kết với một đối tác có kinh nghiệm mấy chục năm trong ngành cho việc tuyển lựa, thu mua những hạt cà phê Arabica tốt nhất ở Cầu Đất, Đà Lạt để kinh doanh (công ty này có xưởng thu mua, kho bãi, dây chuyển sản xuất ở Cầu Đất để đảm bảo cho công đoạn chế biến Arabica).
Tuy công ty có kinh nghiệm nhưng bà Tâm cho biết, mục tiêu xuất khẩu thành phẩm Arabica thuần Việt ra thị trường nước ngoài là chuyện của tương lai. Bởi, nếu đã làm xuất khẩu, DN phải đảm bảo được nguồn nguyên liệu cung ứng liên tục, sản lượng lớn.
Hơn nữa, cà phê Arabica xuất khẩu phải đảm bảo về chất lượng quả, thu hoạch (khác với Robusta, cà phê Arabica chỉ thu hoạch khi quả chín), rang xay, kích thước hạt phải đảm bảo...
Đây thực chất cũng là những tiêu chuẩn cơ bản mà các chuỗi cửa hàng cà phê toàn cầu áp dụng. Điển hình như trường hợp Coffee Bean & Tea Leaf, những người khai sinh ra thương hiệu này quan tâm nhiều đến chất lượng.
Họ sẽ thu mua những hạt cà phê Arabica tốt nhất trên thế giới, sau đó, sẽ lấy 1% trong số đó và tiếp tục tuyển lựa để lấy "1% hạt Arabica trong số lượng 1% vừa nêu" để sử dụng cho chuỗi cửa hàng. Đó là chưa kể chi phí tiếp thị, quảng bá để DN xuất khẩu Việt Nam tìm đầu ra cho thành phẩm.
Cho nên, nếu xuất khẩu thì phía DN vẫn chuộng phương thức xuất Arabica hạt. Còn trước mắt, Công ty Vovo sẽ chỉ nhắm đến cung ứng thị trường nội địa.
- Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, năm 2014, có 10 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới gồm: (1) Brazil, (2) Việt Nam, (3) Columbia, (4) Indonesia, (5) Ethiopia, (6) Ấn Độ, (7) Honduras, (8) Mexico, (9)Uganda, (10) Guatemala. - Một trong 10 mục tiêu chiến lược của tỉnh Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới là xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê Arabica của Việt Nam, là một trong những vùng cà phê Arabica có chất lượng cao trên thế giới. Dự kiến vào năm 2020, trong tổng diện tích 150.000ha cà phê của toàn tỉnh Lâm Đồng, diện tích cà phê Arabica chiếm khoảng 20%, tăng gấp đôi so với hiện nay, khoảng 30.000 ha. |
Nguồn DNSG