Đánh giá về khả năng phục hồi cũng như mối tương quan với thời điểm thị trường đầu tháng 3, hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận yếu tố khác biệt là tính thanh khoản đã cao hơn nhiều, mặt bằng giá cũng cao hơn, đồng nghĩa với sức ép lớn hơn và khả năng phục hồi sẽ cần nhiều "năng lượng" về dòng tiền hơn.
Tuy nhiên các cơ hội được đánh giá là vẫn tồn tại, và mức độ phân hóa của các cơ hội này sẽ rõ ràng hơn. Các cổ phiếu có cơ hội lớn nhất thuộc về những mã có thông tin hỗ trợ trong đợt đại hội cổ đông cũng như các cổ phiếu có thể dự đoán được triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2014.
Kịch bản cũ có lặp lại?
Thị trường đã có nhiều biến động mạnh trong tuần này, đặc biệt là phiên giảm ngày 26/3. Hai phiên cuối tuần VN-Index đã phục hồi nhưng có thể thấy thanh khoản sụt giảm mạnh. Đã có điểm gì đó rất tương đồng với tuần đầu tháng 3 này với phiên giảm ngày 3/3. Thị trường thời điểm đó cũng phục hồi dần với thanh khoản rất thấp. Anh chị đánh giá mức độ tương đồng đó như thế nào? Liệu thị trường có khả năng lặp lại chu kỳ tăng sau đó hay không?
Tôi thấy nhịp điều chỉnh lần này tương đồng với giai đoạn đầu tháng 3 ở 2 điểm: (1) phục hồi với thanh khoản thấp, (2) các nhóm cổ phiếu phân hóa, vẫn có những nhóm cổ phiếu gần như chỉ điều chỉnh đi ngang.
Tuy nhiên, tính chất 2 nhịp điều chỉnh này vẫn khác nhau, rõ nét nhất là ở quy mô dòng tiền và mức độ điều chỉnh của nhóm bluechip. Hai phiên giảm điểm thanh khoản lớn đã cuốn phăng tất cả thành quả của chục phiên giao dịch trước đó, những mã lớn giảm điểm không dứt.
Điều tích cực là dòng tiền vẫn tập trung và chủ động ở những nhóm cổ phiếu cá biệt, cho thấy khả năng tăng điểm sau đó vẫn còn, nhưng có thể sẽ mất thời gian hơn so với hồi đầu tháng.
Tôi sẽ sử dụng một số tín hiệu kỹ thuật để chỉ ra những nét tương đồng giữa phiên giảm 26/3 với phiên 3/3 như sau : Giá đều giảm mạnh kèm thanh khoản tăng cao đột biến khi chạm phải biên trên của kênh giá ngắn hạn (kênh tăng giá kéo dài từ đầu tháng 2/2014). Sau đó, đà giảm cũng đều chững lại ở đường kỹ thuật MA20 đồng thời cũng ngay tại biên dưới của kênh tăng giá, và sau đó là những phiên hồi phục với thanh khoản thấp.
Cho đến khi giá vẫn đang vận động trong kênh tăng này, thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một kịch bản không đến nỗi tệ cho tuần giao dịch kế tiếp.
Tuy nhiên, cũng ở góc nhìn kỹ thuật, cần lưu ý hiện tượng MACD đang liên tục tạo phân kỳ âm với đường giá trên đồ thị VNIndex, điều này cho thấy động lượng của xu thế tăng hiện tại đang tiếp tục yếu đi.
Diễn biến tương quan khối lượng và biến động của chỉ số khá giống với các phiên ngày 3/3 và 4/3. Tuy nhiên bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi: Mặt bằng khối lượng, giá trị giao dịch cao hơn, nhà đầu tư nước ngoài không còn duy trì mua ròng liên tục, nhiều chính sách kỳ vọng đã được công bố…
Do vậy khả năng lặp lại một chu kỳ tăng giá mạnh như giai đoạn trước khó có khả năng xảy ra. Tôi cho rằng, giai đoạn tới sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu sẽ diễn ra mạnh hơn.
Theo tôi giai đoạn điều chỉnh cùng với phiên giảm điểm ngày 3/3 và giai đoạn điều chỉnh cùng với phiêm giảm điểm mạnh ngày 26/03 là hoàn toàn khác nhau nếu xét qua diễn biến tăng điểm trước đó rồi điều chỉnh và nhất là nếu chúng ta phân tích kỹ bước sóng Elliot thông qua giai đoạn tăng điểm vừa qua.
Nếu giai đoạn điều chỉnh trước đó gồm phiên giao dịch ngày 3/3 đang nằm trong xu hướng tăng của Sóng 1 (Elliot) lớn thì giai đoạn điều chỉnh hiện nay bao gồm phiên điều chỉnh ngày 26/3 với 2 phiên đầu tuần tới sẽ nằm trong sóng 2 điều chỉnh lớn.
Xét về khối lượng giao dịch thì các phiên điều chỉnh giảm điểm trước thanh khoản thấp thì các phiên điều chỉnh gần đây thanh khoản rất lớn. Như vậy việc điều chỉnh của thị trường sẽ phải lâu hơn trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm.
Phiên điều chỉnh mạnh vào giữa tuần vừa qua đã xóa đi đà tăng điểm rất tốt được tích lũy trong một vài phiên trước đó. Thị trường đang rất hào hứng khi vượt qua ngưỡng cản tâm lý 600 điểm và phải mất hai phiên hồi phục khá vào cuối tuần để quay lại mốc 595 điểm.
Theo tôi áp lực bán ròng đã giảm bớt của khối ngoại và việc công bố kết quả quý I khả quan của các cổ phiếu trụ cột có thể là động lực để thị trường tích lũy trở lại cho một xu hướng tăng điểm cần được xác nhận lại.