Xu thế dòng tiền: Ai đứng sau cao trào tuần qua?
Các chuyên gia trong cuộc tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” của VnEconomy đều chung một nhận định: sự chuyển dịch của dòng tiền tuần qua thể hiện chu kỳ vận động mạnh lên của dòng tiền lớn.
Đặc biệt, dòng vốn ngoại đang cho thấy những dấu hiệu của những tổ chức đầu tư mới, bên cạnh những quỹ chỉ số quen thuộc.
Tiền lớn vào cuộc
Tuần này thị trường thể hiện sự dịch chuyển dòng vốn khá rõ ràng từ những cổ phiếu đầu cơ như FLC, PVX, HQC… sang các cổ phiếu cơ bản, vốn hóa trung bình và lớn. Ngay cả giữa hai sàn cũng có sự dịch chuyển về dòng tiền. Sự dịch chuyển này không phải tuần này mới có, nhưng rất có thể tuần này là cao trào. Theo anh chị, tại sao lại có sự dịch chuyển rõ nét như vậy, nếu chỉ là kỳ vọng về kết quả kinh doanh?
Bản chất của thị trường vẫn là sự dịch chuyển dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu và phân hóa tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, để đẩy lên được thành cao trào như tuần vừa rồi, theo tôi, dòng tiền đó không phải là dòng tiền lướt sóng thuần túy, mà mang màu sắc dòng tiền lớn của các quỹ, các tổ chức nhiều hơn.
Như vậy cũng đồng nghĩa với việc, các cổ phiếu blue-chips tăng điểm không có sự tham gia nhiều của các nhà đầu tư nhỏ lẻ với kỳ vọng lướt sóng mùa công bố kết quả kinh doanh.
Trong các năm gần đây giai đoạn cuối và đầu năm mới thông thường xuất hiện sóng của nhóm cổ phiếu cơ bản vốn hóa lớn. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ, nếu nhà đầu tư quan sát diễn biến động thái giải ngân tích cực của khối ngoại và của các nhà đầu tư lớn trong tuần vừa qua.
Lý do của hiện tượng này có thể giải thích bằng việc những cổ phiếu đầu ngành vẫn thu hút dòng tiền đầu tư, bởi các yếu tố như kết quả kinh doanh tốt của năm cũ, kế hoạch kinh doanh dự kiến năm mới, hoặc kế hoạch trả cổ tức các công ty tốt hay rơi vào trung tuần tháng cuối của quý 1 và đầu quý 2...
Tóm lại, những tháng đầu năm luôn thuận lợi cho các cổ phiếu cơ bản và các nhà đầu tư cũng đã nhạy bén thay đổi chiến lược trading cho phù hợp với xu thế của thị trường.
Tôi cho rằng sự kỳ vọng về kinh doanh là có, nhưng không phải tất cả.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ chu kỳ của dòng tiền. HPG, PVS, GAS… đi lên đương nhiên do kỳ vọng vào tăng trưởng cơ bản của doanh nghiệp, nhưng lý do đó sẽ không giải thích được hiện tượng BVH, MSN, hay cả STB được mua mạnh vào các phiên cuối tuần.
Trở lại với ý “chu kỳ của dòng tiền”, ở đây, tôi muốn đề cập đến chu kỳ giải ngân mạnh mẽ vào tháng đầu năm của khối ngoại.
Các năm gần đây, mà nổi bật nhất là 2012, 2013, VN-Index đều mở đầu với một đợt tăng rất nhanh với độ rộng khoảng 30%, trong đó động lực chính là vốn ngoại.
Theo quan sát của tôi, tuần vừa qua dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu đã kín “room”, các cổ phiếu blue-chips vốn hóa lớn.
Sự dịch chuyển này một mặt phản ánh kỳ vọng của nhà đầu cơ trong nước đối với chính sách mới liên quan tới giới hạn sở hữu dành cho khối ngoại, mặt khác nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng phần nào phản ánh áp lực giải ngân của khối ngoại.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh chưa phải là nhân tố chính định hướng dòng tiền trong tuần qua.
Dòng tiền đã dịch chuyển từ các cổ phiếu đầu cơ sang các cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh quý 4/2013 đạt kết quả tốt như GAS, HPG, VNM. Sự dịch chuyển dòng tiền rõ nét như vậy đã giúp cho chỉ số tăng khoảng 10% trong vòng hai tuần từ mức 505 điểm lên gần 550 điểm.
Nhìn lại bước nhảy vọt là điểm số trong thời gian ngắn cách đây một năm, khi chỉ số tăng một mạch từ 400 điểm lên 460 điểm, chúng ta có thể thấy lý do cũng không có điểm gì khác biệt.
Đó chính là dòng tiền mạnh xuất phát từ các quỹ nước ngoài, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn. Điển hình như GAS cũng đã tăng được hơn 10% so với giá cổ phiếu này cách đây khoảng 10 phiên giao dịch.
Thế lực mới đang xuất hiện?
Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài là tâm điểm của thị trường tuần này. Mới tính riêng khớp lệnh mà mức mua vào đã trên 1.300 tỷ, vào ròng khoảng 841 tỷ đồng. Con số này theo thống kê là rất đột biến. Vậy theo anh chị, cường độ vốn tập trung cao như vậy có nguyên nhân nào khác ngoài chuyện Premium đang chênh lệch lớn, chẳng hạn 7,41% theo số liệu tính đến 16/1 của quỹ VNM ETF?
Mức chênh lệch 7,4% giữa thị giá và NAV (giá trị tài sản ròng) của quỹ Market Vector ETF cho thấy việc huy động dòng tiền mới của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh lý do hoàn toàn về mặt kỹ thuật này còn là việc các chỉ tiêu vĩ mô Việt Nam đang dần dần được cải thiện cùng với kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp đầu ngành có bước đột phá hơn dự báo ban đầu, và dẫn tới P/E dự phóng cho năm tới của các doanh nghiệp Việt Nam trong danh mục ETF có sự hấp dẫn đáng kể, nếu so với mặt bằng các cổ phiếu blue-chips của các nước trong khu vực.
Tôi cho rằng chuyện Premium chênh lệch 7.41% là một cơ sở để phán đoán rằng các ETF đang vào chu kỳ giải ngân mạnh.
Cụ thể hơn, theo quan sát và thống kê của chúng tôi, mỗi khi tỷ lệ Premium lên mức trên 2%, ETF này thường sẽ mua ròng trên thị trường Việt Nam sau đó, và mức trên 3% thường xuất hiện trong các đợt giải ngân liên tục, kéo dài từ 3-4 tuần.
Tuy nhiên, con số Premium kể trên cũng chỉ là bề nổi, mang ý nghĩa thống kê để thấy hiện tượng nhiều hơn.
Về bản chất, vốn ngoại không chỉ đến từ ETF, cổ phiếu GAS không hề có trong danh mục của hai quỹ ETF lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhưng đây là cổ phiếu được mua nhiều nhất về mặt giá trị trong tuần qua.
Ở đây, một lần nữa chúng tôi nhắc lại tính chu kỳ, vốn ngoại - trong đó có các ETF - đang một lần nữa được đẩy mạnh vào thị trường trong tháng đầu năm.
Có thể thấy rằng không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào đột biến tuần này mà cả các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư nội cũng tham gia mạnh.
Rõ ràng, chỉ có những nhà đầu tư lớn chuyên nghiệp mới chỉ giao dịch những cổ phiếu hàng đầu, và khi những "big-boys" tham gia vào những cổ phiếu lớn, sự đồng thuận tăng theo dẫn đến việc tăng giá mạnh đột biến ở nhiều cổ phiếu blue-chips.
Theo tôi, VNM ETF đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động giải ngân lần này.
Hiện tượng này đã xảy ra vào năm ngoái, khi tính riêng trong quý 1/2013, quỹ VNM ETF đã tăng thêm 5.25 triệu chứng chỉ quỹ (khoảng 100 triệu USD) khiến chỉ số VN-Index đã tăng gần như liên tục trong 1 tháng từ 413,73 điểm lên 491,04 điểm.
Đã có những thời điểm phiên giao dịch nào VNM cũng tăng thêm chứng chỉ quỹ như giai đoạn 3/1/2013 đến 8/2/2013 (26 phiên liên tiếp) và từ 19/2/2013 đến 27/3/2013 (27 phiên liên tiếp).
Ở một khía cạnh khác, nhiều tổ chức trên thế giới cho rằng năm 2013 - 2014 thì “small is beautiful” nên Việt Nam có thể sẽ là một penny hấp dẫn với thế giới.
Xu hướng này bắt đầu ở Việt Nam với hoạt động của Mutual Fund Elite. Trong tuần này, Mutual Fund Elite trở thành cổ đông lớn của VND, trước đó là BIC, trước nữa là TTF, DQC, EBS, DVP... Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2013 Mutual Fund Elite giải ngân 900 tỷ để mua trên 5% hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, và sẵn sàng nâng số doanh nghiệp đầu tư lên 50 trong năm nay.
Có thể những quỹ tương tự như Mutual Fund Elite cũng đóng góp đáng kể vào hoạt động khối ngoại trong tuần này.
Tôi cho rằng, việc giải ngân mạnh của khối ngoại kể từ đầu năm 2014 đang phản ánh kỳ vọng vào diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán.
Giai đoạn vừa qua, dòng vốn ngoại đã giải ngân tại nhiều cổ phiếu nằm ngoài danh mục các quỹ ETF, giải ngân không theo tỷ lệ trong cơ cấu danh mục ETF, do vậy rất có thể đã xuất hiện thêm quỹ mới đang thực hiện giải ngân.
Phân bổ vốn: Né cổ phiếu đầu cơ
Tuần này nhà đầu tư thận trọng hẳn đứng ngồi không yên! Những người chọn sai mã cũng kém vui. Dự cảm của các anh chị cho tuần này là chính xác khi cho rằng xu thế tăng trưởng sẽ chiếm ưu thế. Vậy anh chị có thay đổi cơ cấu và tỉ trọng phân bổ danh mục hay không? Các cơ hội ngắn hạn được tận dụng như thế nào?
Tuần trước tôi đã sai, khi đánh giá thấp sức mạnh dòng tiền vào nhóm blue-chips. Trong tuần, tôi đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ở một số mã breakout khỏi vùng đi ngang một tháng qua, tuy nhiên tỷ lệ cổ phiếu vẫn chỉ ở 50%, hiệu quả cho thấy cũng chưa nhiều.
Tôi tiếp tục cho rằng chỉ cần thị trường chung không điều chỉnh quá mạnh, sự phân hóa vẫn sẽ tiếp diễn. Vì thế, chỉ giảm tỷ trọng khi thị trường xuất hiện giảm mạnh đột ngột.
Tôi vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào của sự điều chỉnh lớn có thể xảy ra, mặc dù đã có bước nhảy khá lớn về giá của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong một thời gian ngắn.
Cổ phiếu lớn đã có mặt bằng giá mới cao, cần có thời gian để ổn định, và dòng tiền có thể có sự chuyển dịch một phần sang các cổ phiếu có vốn hóa trung bình có kết quả kinh doanh khá tốt.
Tỷ lệ phân bổ danh mục cho blue-chips vẫn nên duy trì tối thiểu 70%, và chúng ta có thể gia tăng tỷ trọng danh mục lên các cổ phiếu có vốn hóa trung bình trong ngắn hạn để đón dòng tiền xoay vần có thể hướng đến.
Tôi đã dự đoán rằng VN-Index trước sau gì cũng vượt và vươn tới các cứ điểm quan trọng 530 - 550 điểm trong quý 1/2014.
Tuy nhiên, việc chỉ số VN-Index tăng quá nhanh làm mọi nhà đầu tư đều bất ngờ, nhất là việc điều chỉnh khá vài phiên ở ngưỡng 530 điểm đã không xảy ra khi dòng tiền khối ngoại đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu blue-chips, khiến biên độ của VN-Index chạm sát ngưỡng 550 ở phiên cuối tuần.
Rõ ràng, việc tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đầu ngành tốt nhất đang có sức cầu mạnh, trong khi giảm tỷ lệ cổ phiếu ở những cổ phiếu yếu hoặc mua nhầm là điều cần thiết ở những phiên đầu tuần tới.
Việc chỉ nắm giữ 3-4 mã cổ phiếu tốt nhất trong danh mục, có thể là 2-3 mã blue-chips và 1 mã mid-cap tăng trưởng là hợp lý, và vẫn không nên nắm giữ cổ phiếu đầu cơ trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế bức tranh tổng thể thị trường không hoàn toàn là một màu sáng.
Ở một thống kê khác, tôi thấy bình quân số lượng cổ phiếu sinh lời sau ngày T+3 ở tuần vừa qua đã giảm mạnh so với tuần trước đó, VN-Index tăng tới hơn 10 điểm trong phiên cuối tuần, nhưng số mã cổ phiếu giảm điểm hoàn toàn áp đảo số mã tăng. Thị trường đã có sự chững lại về độ rộng.
Với góc nhìn như trên, tôi không có nhiều sự thay đổi về quan điểm so với tuần trước đó: tạm thời đóng trạng thái với cổ phiếu đầu cơ, duy trì một lượng hợp lý (khoảng 30%) nhóm cổ phiếu cơ bản và có thể tăng tỷ trọng ở nhóm này nếu tìm được điểm mua tốt.
Về các cơ hội ngắn hạn, tôi sẽ tìm điểm mua ngắn hạn để giải ngân-tăng tỷ trọng vào các cổ phiếu cơ bản đã vượt đỉnh nhiều năm như DPM, PVD, GAS…
Trong tuần tới, thị trường sẽ đối mặt với lực bán chốt lời, giảm tỷ lệ đòn bẩy từ phía nhà đầu tư trong nước, do vậy nhiều cổ phiếu tăng nóng giai doạn vừa qua sẽ có diễn biến không thuận lợi.
Tôi sẽ tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt về mức 30:70.
Hiện tại dòng tiền đang tập trung chính ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, các cổ phiếu có được sự quan tâm của dòng vốn ngoại nhưng việc mua đuổi sẽ chứa đựng nhiều rủi ro, bởi chúng ta khó đoán biết được động thái của khối ngoại trong ngắn hạn.
Với vùng giá, diễn biến như hiện tại, tôi cho rằng việc tìm kiếm được lợi nhuận từ các cơ hội ngắn hạn là không dễ dàng.
Kịch bản nào cho tuần tới?
Sẽ là tương đối khó nếu phải đánh giá thị trường tuần tới dựa trên chỉ số, khi mà các cổ phiếu lớn đang tác động quá nhiều. Tuy nhiên liệu anh chị có dự cảm gì với nhóm blue-chips đang dẫn dắt thị trường trên HSX, đặc biệt với rổ VN30? Sự dịch chuyển của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này sẽ theo hướng nào?
Tôi nghiêng về kịch bản trung lập, vì sau khi các tổ chức giải ngân blue-chips xong sẽ có xu hướng nắm giữ, áp lực bán ra tạm thời sẽ không nhiều.
Vì vậy có thể nhóm này điều chỉnh không mạnh, có thể giữ nhịp đi ngang. Một số mã có thể tích cực khi tiếp tục được khối ngoại giải ngân.
Theo tôi nhóm vốn hóa lớn đặc biệt trong VN30 trong tuần tới có thể vẫn duy trì được mặt bằng giá cao mới, tuy nhiên đà tăng có thể phải chậm lại, để nhường chỗ có các dòng cổ phiếu có vốn hóa trung bình có tiềm năng tăng trưởng về giá tốt hơn.
Tuần tới tôi thiên về xu hướng thị trường sẽ điều chỉnh giảm.
Cụ thể là hai phiên giao dịch đầu tuần với đà tăng điểm của VN-Index sẽ tăng 7 - 8 điểm, tức là sẽ test lại mốc 550 - 552 một lần nữa trước khi điều chỉnh giảm ở những phiên cuối tuần khi các cổ phiếu blue-chips hết lực đỡ từ khối ngoại.
Tuần tới các cổ phiếu blue-chips vẫn thu hút được dòng tiền. Một số tăng điểm tiếp, một số điều chỉnh và VN-Index sẽ khó có sự đột biến mạnh như phiên cuối tuần qua.
Trong dự cảm của mình, tôi thấy rằng sau khi nhiều mã cổ phiếu blue-chips bật qua khỏi đỉnh trung-dài hạn của chúng, các cổ phiếu này sẽ gây rất nhiều bất ngờ và có thể có những diễn biến ngoài dự đoán, như đã từng diễn ra ở hai năm trước đó.
Áp lực điều chỉnh ngắn hạn là rất lớn, nhưng đứng ở góc độ nhìn nhận tâm lý đầu cơ ngắn hạn, tôi cho rằng, những điều chỉnh ngắn hạn sẽ xuất hiện nhưng cũng sẽ rất nhanh.
Ngược lại, một quá trình điều chỉnh kéo dài nhiều hơn 2-3 phiên có thể đánh dấu sự thoái trào của xu hướng blue-chips hiện tại.
Tôi cho rằng tuần tới các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 sẽ khó duy trì được đà tăng như tuần vừa rồi. Đợt mua vào cao trào nhất từ phía nhà đầu tư nước ngoài có thể đã qua.
Nhằm giúp bạn đọc/nhà đầu tư chứng khoán có thêm những góc nhìn tham khảo uy tín, đến từ các chuyên gia hàng đầu trên thị trường, bắt đầu từ tháng 1/2014, VnEconomy mở thêm chuyên mục tọa đàm định kỳ hàng tuần mang tên “Xu thế dòng tiền”. “Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư. Ở vị trí điều phối cuộc tọa đàm là nhà báo Nguyễn Hoàng, người phụ trách Ban Chứng khoán của VnEconomy. VnEconomy và các chuyên gia không chịu trách nhiệm trước những thiệt hại nếu có trong hoạt động đầu tư dựa trên những nhận định được đăng tải. Các chuyên gia là những thành viên tham gia thị trường, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các hoạt động đầu tư thực tế, do vậy, các quan điểm nhận định cũng như phương pháp đầu tư có thể dẫn đến những xung đột lợi ích. |
Nguồn VnEconomy