Ảnh: Hải Vân.
Xử lý “phần ngọn” 8.900 container phế thải
Việc kiểm soát quy trình nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa là phế liệu chưa chặt chẽ đã dẫn đến tồn đọng lượng lớn lô hàng phế liệu nhập khẩu không xác định được chủ hàng tại các cảng biển trên cả nước.
Lượng tồn lớn
Tính đến ngày 31.12.2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khoảng 8.900 container. Trong đó, tồn kho lớn nhất đang diễn ra tại khu vực Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, với cảng Nam Đình Vũ tồn 615 container và cảng Cát Lái 5.788 container.
Nguyên nhân tồn đọng lượng lớn phế liệu, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Công Bằng, cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, hãng vận chuyển không khai báo phế liệu trong hồ sơ, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo số lượng cụ thể, chủng loại hàng hóa là phế liệu.
Một số tổ chức, cá nhân cố tình tìm các kẽ hở của pháp luật để nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định, khi bị phát hiện thì bỏ hàng, gây tồn đọng phế liệu các các cảng biển. Nhiều doanh nghiệp dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng thực tế, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu của lô hàng.
Thẳng thắn hơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Bùi Thiên Thu, xác nhận, lượng lớn phế liệu tồn đọng tại các cảng biển là do “cơ chế”.
Theo ông, việc chưa có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, ban ngành trong hoạt động quản lý phế liệu nhập khẩu nên việc xử lý các vụ việc liên quan tới nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa chặt chẽ, kịp thời.
Thêm nữa, việc cấp giấy phép nhập khẩu do nhiều cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhưng chưa liên thông, chưa công khai trên mạng dẫn đến khó khăn cho công việc thực thi, kiểm tra giấy phép, đồng thời làm cho các doanh nghiệp cảng khó khăn trong việc kiểm soát hàng phế liệu hạ cảng.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam dẫn chứng tình trạng nhiều lô hàng có phí lưu container cao hơn giá trị lô hàng. Ông cho đây là do vướng mắc về giấy tờ nên thời gian làm thủ tục thông quan dài, các doanh nghiệp chủ hàng không có khả năng chi trả phí lưu container cho các hãng tàu nên một số doanh nghiệp chối bỏ không nhận hàng.
Khó xử lý
Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thừa nhận việc xử lý hàng hóa tồn đọng hiện nay gặp nhiều khó khăn, do vướng mắc trong việc cung cấp thông tin về việc tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, vào và rời cảng biển để xử lý, giải quyết thủ tục cho tàu thuyền theo chuyên ngành và chuyển kết quả cho Cảng vụ hàng hải.
Cảng vụ hàng hải, cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng phối hợp với doanh nghiệp cảng để kiểm tra Giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi cho hàng hóa dỡ xuống cảng.
Cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi các hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển và các hãng tàu về việc đề xuất phương án miễn, giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi cho các doanh nghiệp chủ hàng.
Nhiều biện pháp đã được đưa ra, song Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng những nỗ lực này vẫn chỉ là xử lý “phần ngọn”, trong khi việc hàng hóa phế liệu có nguy cơ tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam.
Xử lý tận gốc, theo ông Thu phải “đi từ cơ chế”, nhưng điều này vượt thẩm quyền của Cục Hàng hải Việt Nam, thậm chí cả Bộ Giao thông và Vận tải. Nó thuộc thẩm quyền Chính phủ, vì quá trình xử lý liên quan đến công tác quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 242 Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu trên phạm vi cả nước. Điều này, Cục Hàng hải Việt Nam cho là nguyên nhân chính dẫn đến khó kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu vào nước ta.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có cơ chế phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan về Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cũng như tình trạng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu trên trang thông tin điện tử quốc gia.