Xử lý nợ xấu đang đi đúng hướng
Ông có bình luận gì về việc Thông tư 02/2013 được ban hành ở thời điểm này?
Có thể nói, Thông tư 02 đã đưa ra một khung mẫu về các quy tắc quản lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và các chi nhánh, ngân hàng con của ngân hàng nước ngoài.
Đây là một bước tiến có ý nghĩa rất quan trọng của NHNN trong nỗ lực minh bạch hóa nợ xấu của hệ thống tín dụng, từ đó, có phương án xử lý bài toán nợ xấu một cách hợp lý, chính xác nhất.
Điểm khác biệt chính của Thông tư so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đó (Quyết định 493/2005) là sự vận dụng phương pháp đánh giá đồng nhất, việc phân loại nợ của khách hàng sẽ được áp dụng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Hiện các tổ chức tín dụng vẫn đang phân loại nợ theo tiêu chuẩn riêng của họ, dựa trên các thông tin liên quan đến khách hàng. Điều này có thể dẫn đến việc các tổ chức tín dụng khác nhau có cách xếp hạng tín dụng khác nhau cho cùng một khách hàng.
Với Thông tư 02/2013, các tổ chức tín dụng sẽ phải phân loại nợ dựa vào các tiêu chí phân loại nợ được đưa ra bởi Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), NHNN. CIC sẽ phân loại nợ cho khách hàng dựa trên chuẩn phân loại nợ cao nhất do các tổ chức tín dụng báo cáo.
Ngoài ra, Thông tư đã đưa ra định nghĩa khác so với các văn bản pháp luật trước đây về khái niệm “nợ” trong hệ thống tín dụng. Theo quy định tại thông tư này, thì ngoài các khoản vay, tạm ứng, thấu chi và cho thuê tài chính đã được đề cập trong Quyết định 493, nợ của các tổ chức tín dụng bao gồm cả trái phiếu, ủy thác cấp tín dụng và tiền gửi tại tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và tiền gửi tại tổ chức tín dụng nước ngoài.
Với quy định này, cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tín dụng sẽ thấy rõ hơn bức tranh rủi ro nợ xấu của từng ngân hàng, cũng như gia tăng sự đồng nhất giữa các tổ chức tín dụng trong việc phân loại nợ.
Thông tư được ban hành vào cuối tháng 1/2013, nhưng phải đến tháng 6/2013 mới chính thức có hiệu lực thi hành, theo tôi, đây là khoảng thời gian đủ dài cho phép NHNN cũng như các tổ chức tín dụng giải quyết những vấn đề bất cập có thể xảy ra khi thực hiện Thông tư.
Siết chặt việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu có thể khiến nhiều TCTD không còn lợi nhuận trong năm 2013?
Khi Thông tư được áp dụng, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ tăng lên, vì đối tượng phân loại nợ để lập dự phòng tăng lên. Thêm vào đó, việc phân loại nợ đối với mỗi khách hàng cũng dựa trên mức độ nợ cao nhất mà các tổ chức tín dụng báo cáo CIC.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hướng đến sự minh bạch. Tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn, lợi nhuận có thể thấp đi nhưng đó sẽ là con số phản ánh đúng thực chất hoạt động của ngân hàng. Mà muốn chữa được căn bệnh nợ xấu, cần phải chẩn đoán đúng bệnh.
Tuy nhiên, không ít ngân hàng thương mại cho rằng, với việc ban hành Thông tư 02, các ngân hàng sẽ phải đẩy chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu vào chi phí vốn, khiến lãi suất cho vay bị tăng lên và hoạt động của ngân hàng càng khó khăn. Quan điểm của ông ra sao?
Với một số ngân hàng đang phải vật lộn với vấn đề nợ xấu thì Thông tư 02 có thể gây khó khăn hơn cho họ. Nhưng nhìn trên cục diện chung của toàn hệ thống thì đây lại là điều rất tốt. NHNN đang đi đúng hướng trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu và cải thiện niềm tin với hệ thống ngân hàng.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng, việc định giá một khoản vay dựa trên một số yếu tố như chi phí vốn, chi phí đảm bảo thanh khoản và mức độ rủi ro của khách hàng. Việc định giá khoản vay đối với khách hàng có thể thay đổi trong trường hợp có sự thay đổi trong hồ sơ rủi ro của khách hàng.
Liệu có hay không mâu thuẫn lợi ích giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức tín dụng trong việc phân loại nợ xấu, thưa ông?
Tôi không cho rằng Thông tư 02 tạo ra mâu thuẫn lợi ích giữa NHNN và các ngân hàng thương mại. Cả hai phía rõ ràng đều đang đẩy mạnh tính minh bạch và sự nhất quán trong việc báo cáo nợ xấu và việc NHNN ban hành thông tư này là một bước tiến tích cực trong nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Nguồn ĐTCK