Xử lý nợ xấu: Chỉ sợ không có cơ chế để dùng tiền
Ông đánh giá thế nào về mô hình xử lý nợ xấu không sử dụng tiền ngân sách của VAMC trong hơn 1 năm qua?
Thời gian qua, VAMC đã mua được khối lượng nợ xấu giúp giải tỏa hàng loạt quan hệ tín dụng giữa DN và NH, đồng thời cũng đã tạo ra quan hệ tín dụng mới và quan hệ nợ mới. Đó là DN nợ VAMC chứ không phải nợ NH nữa. Điều này giúp DN “dễ thở” hơn trong việc xử lý nợ tồn đọng của mình với NH. Nhưng thực tế việc xử lý tài sản đảm bảo của DN chưa được nhiều, mà nợ xấu nếu không giải quyết được dứt điểm thì chưa cải thiện đáng kể quan hệ tín dụng giữa DN và NH.
Có thể nói, trước khi VAMC thành lập, tôi kỳ vọng rất nhiều về quyền năng xử lý nợ xấu của công ty này. Nhưng đến thời điểm này việc xử lý nợ xấu của VAMC gặp quá nhiều vướng mắc. Toàn bộ cơ chế, thủ tục pháp lý để hỗ trợ VAMC thực hiện xử lý tài sản đảm bảo, nhất là những khoản nợ chưa hoàn thành thủ tục pháp lý thì sẽ đụng chạm ít nhất 6 – 7 bộ luật, luật, thủ tục tố tụng và 3 – 4 nghị định, thông tư. Vì thế, dù VAMC được tăng nguồn lực tài chính và rất nỗ lực xử lý nợ xấu nhưng để thực hiện mua – bán nợ xấu theo giá thị trường, tăng thanh khoản thị trường thì cũng chưa thể thực hiện được ngay, vì đụng đâu cũng vướng mắc về cơ chế, thủ tục pháp lý.
Theo ông, giải pháp nào có thể tháo gỡ vướng mắc cho VAMC?
Tôi được biết, tại phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng chỉ đạo NHNN gộp tất cả những điểm vướng mắc pháp lý từ luật, nghị định, thông tư có liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng, sang tên tài sản đảm bảo khoản nợ thành nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Để trên cơ sở đó, chỉnh sửa khung khổ pháp lý phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động mua bán nợ của VAMC.
Ngoài ra, còn một vấn đề là quy định tại Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC cũng đang cản trở việc mua bán nợ theo giá thị trường của VAMC. Đó là quy định bắt buộc VAMC phải hoạt động theo nguyên tắc hoàn vốn, không chỉ trên tổng thể mà trong từng giao dịch. Đó là điểm rất khó cho VAMC. Quy chế này cũng nên xem xét sửa đổi.
Việc tăng vốn trong thời gian tới cũng rất cần thiết, giúp VAMC tăng khả năng phát hành trái phiếu huy động tiền mặt hoặc có thể vay mượn từ nước ngoài. Nhưng như tôi đã nói ở trên, đây không phải là vấn đề then chốt, không phải vì chúng ta không có tiền mà là không có cơ chế để dùng tiền không bị xung đột về mặt pháp lý.
Và giải pháp duy nhất đẩy nhanh xử lý nợ xấu là phải ban hành được một nghị quyết về xử lý nợ xấu, gỡ tất cả vướng mắc về các bộ luật, nghị định liên quan. Đây là chủ trương rất lớn, quan trọng có tác động đến mức độ thành công trong xử lý nợ xấu của VAMC. Nếu nghị quyết tạo khung khổ pháp lý phù hợp để xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, cộng với những cơ chế hợp lý khác, nợ xấu sẽ được xử lý rất nhanh.
Mới đây, có ý kiến đề xuất cần sự tham gia mạnh mẽ hơn của Chính phủ, thậm chí cả Quốc hội trong vấn đề xử lý sở hữu chéo trong hệ thống NH. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Thời gian qua, hệ thống NH tích cực xử lý tình trạng sở hữu chéo qua tăng cường thanh tra, giám sát và nhiều biện pháp quyết liệt khác, trong đó yêu cầu các cá nhân vượt tỷ lệ theo quy định về sở hữu cổ phần phải thoái vốn… Và Chính phủ cũng có chủ trương yêu cầu những ông chủ NH, các tập đoàn phải thoái vốn về đúng luật và phải thanh toán toàn bộ nợ của tập đoàn và nợ liên quan với NH. Thậm chí, biện pháp mạnh hơn là bắt thoái vốn triệt để ra khỏi khu vực NH, có nghĩa là không được kinh doanh NH nữa.
Tất nhiên phải cho họ một lộ trình để thực hiện thoái vốn. Trong thời gian đó, nếu các đối tượng này vẫn chần chừ, lấp liếm, che đậy hoặc giả vờ thoái nhưng thực ra không thoái… thì sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Thực tế thời gian qua, chúng ta đang hành động như vậy chứ không phải là chủ trương. Tôi cho rằng, đối với vấn đề thoái vốn phải có lộ trình dứt khoát, vì đến giờ phút này hiện tượng đó vẫn còn nhiều. Và nếu cứ chậm trễ chờ đợi thì càng ngày càng khó xử lý.
Vậy theo ông giải pháp nào xử lý mạnh vấn đề thoái vốn mà đảm bảo tính minh bạch?
Muốn minh bạch câu chuyện thoái vốn để tránh tình trạng lòng vòng trả nợ, tốt nhất là quốc hữu hóa. Tức là NHNN tham gia mua cổ phần của những NH đó.
Theo Điều 4 của Luật NHNN 2010, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN được áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và NH, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống NH thì NHNN có quyền mua cổ phần của TCTD; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của TCTD; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể TCTD... Sau đó, NHNN tiến hành tái cấu trúc lại TCTD phục hồi hoạt động hiệu quả có thể bán lại cho ai thì là quyền của NHNN.
Tôi cho rằng, đây là cách xử lý vấn đề thoái vốn triệt để nhất. Kinh nghiệm trên thế giới có rất nhiều nước thực hiện như vậy. Ví dụ ở Mỹ, họ chứng khoán hóa nợ xấu bất động sản của các NH qua trái phiếu. Tiếp đó, chính phủ Mỹ mua trái phiếu tham gia phục hồi NH, khi trái phiếu tăng giá họ đã bán lại và có lãi. Hay tại Hàn Quốc, Ủy ban Giám sát tài chính của nước này quyết định rót vốn vào các NH, nhưng người đứng tên vốn trong NH là Bảo hiểm Tiền gửi Hàn Quốc.
Những cách xử lý trên thực chất là hành động quốc hữu hóa. Đến một, hai năm sau, khi NH hoạt động có lãi, Ủy ban này sẽ bán thu tiền về cho bảo hiểm tiền gửi để trả cho ngân sách.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Thời báo ngân hàng